Tháng trước, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ không tham gia cùng Ả Rập Xê-út trong việc cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện, cho rằng việc cắt giảm của Riyadh là đủ để cân bằng thị trường.
Điều này hầu như không gây ngạc nhiên khi UAE từ lâu đã lập luận rằng họ nên được phép khai thác nhiều hơn so với hạn ngạch hiện tại của OPEC. Nhưng nhà khai thác lớn thứ ba của OPEC không hài lòng với việc duy trì sản lượng hiện tại. UAE đã nhận được một nhượng bộ lớn từ OPEC thông qua việc cho phép tăng hạn ngạch. Điều này sẽ đưa sản lượng của UAE tăng 200.000 thùng mỗi ngày vào năm 2024 lên 3,2 triệu thùng.
Nhưng UAE không cần phải đợi đến năm 2024 để gặt hái thành quả từ sự khôn ngoan của mình. Giá dầu đã tăng khoảng 15% kể từ khi Ả Rập Xê-út bắt đầu tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày. Trên thực tế, Ả Rập Xê-út đang làm tất cả những công việc nặng nhọc nhưng UAE lại đang hưởng lợi nhiều nhất.
UAE có kế hoạch tăng công suất khai thác dầu thô lên 5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2027, cao hơn nhiều so với hạn ngạch 3 triệu thùng/ngày của OPEC.
"Ả Rập Xê-út đang cắt giảm ồ ạt. Ít nhất thì Nga nói rằng họ đang cắt giảm. Trong khi đó, UAE đã cắt giảm ở mức tối thiểu. Kết quả cuối cùng là Ả Rập Xê-út đang làm tất cả mọi thứ và UAE có giá dầu cao hơn 15% so với một tháng trước". Viktor Katona, trưởng bộ phận phân tích dầu thô tại Kpler, nói với trang Middle East Eye.
Tình hình thậm chí còn trớ trêu hơn khi bạn cho rằng UAE giàu hơn nhiều so với Ả Rập Xê-út tính theo đầu người, có nghĩa là Ả Rập Xê-út lo lắng hơn về giá ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của chính phủ. Với tốc độ khai thác hiện tại, Ả Rập Xê-út cần dầu thô ở mức giá 100 USD một thùng để cân bằng sổ sách của mình.
Cắt giảm sâu hơn?
UAE có thể thấy doanh thu của mình tăng vọt một lần nữa nếu Ả Rập Xê-út quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa khi nước này cố gắng đẩy giá dầu tăng.
Tháng trước, một số chuyên gia hàng hóa đã dự đoán Riyadh sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện nhưng giảm dần việc cắt giảm thêm bằng cách khôi phục 250.000-500.000 thùng/ngày sau khi tạm dừng khai thác vào tháng 9. Một tuần sau, Cơ quan báo chí Ả Rập Xê-út (SPA) công bố xác nhận rằng nước này thực sự sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 9, nhưng với một sắc thái quan trọng mà phần lớn các phương tiện truyền thông đã bỏ qua - đó là việc cắt giảm có thể "kéo dài hoặc thậm chí sâu hơn". Điều này đánh dấu lần đầu tiên Ả Rập Xê-út báo hiệu sẵn sàng cắt giảm sâu hơn nữa nếu như những lần trước đó mất quá nhiều thời gian để đạt được hiệu quả mong muốn.
Nhu cầu suy yếu của những người tiêu dùng dầu lớn cũng có thể thuyết phục Ả Rập Xê-út cắt giảm hơn nữa. Dữ liệu mới nhất đến từ Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô giảm 2,412 triệu triệu thùng/ngày xuống mức thấp nhất trong sáu tháng là 10,429 triệu thùng/ngày do lượng dự trữ suy yếu. Không rõ liệu đây có phải là sự khởi đầu của một xu hướng giảm hay không vì nhập khẩu của tháng 6 được ghi nhận ở mức cao thứ hai.
Công bằng mà nói, mức tăng nhập khẩu dầu thô so với cùng kỳ trong tháng 7 là 1,519 triệu thùng/ngày, cao hơn 17% so với khối lượng một năm trước.
Trong khi đó, nhu cầu dầu của Ấn Độ trong tháng 7 đạt 4,70 triệu thùng/ngày, yếu hơn so với kỳ vọng của Phố Wall là 4,83 triệu thùng/ngày. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu theo năm của quốc gia đã chậm lại từ 190 nghìn thùng mỗi ngày trong tháng 6 xuống còn 84 nghìn thùng/ngày trong tháng 7.
Dữ liệu kể trên một lần nữa là dữ liệu hỗn hợp vì tăng trưởng nhu cầu xăng tăng lên 6,3% trong tháng 7 từ 6,2% trong tháng 6 trong khi tăng trưởng nhu cầu dầu diesel tăng lên 3,9% từ 3,1%.
Nhưng việc cắt giảm sâu hơn của Ả Rập Xê-út không phải là điều chắc chắn.
Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered đã đặt cược rằng Ả Rập Xê-út sẽ không cắt giảm sâu hơn vì tồn kho dầu thô có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Hầu hết các chuyên gia năng lượng đã dự đoán rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ dần thắt chặt. Điều này sẽ thúc đẩy giá trong thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tại Paris đã dự đoán mức thiếu hụt dầu khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.
Nguồn tin: PetroTimes