Ngày 4/7, Các Tiểu vương quốc Arab thông nhất (UAE) đã chỉ trích thỏa thuận sản lượng dầu mỏ hiện nay của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) là "không công bằng", nhấn mạnh rằng nước này sẵn sàng gia hạn thỏa thuận chỉ khi hạn ngạch khai thác dầu của họ được cân nhắc lại.
Việc UAE thúc đẩy nâng đường cơ sở để tính toán cắt giảm sản lượng của nước này được cho là đã khiến cuộc họp tuần qua của OPEC+ không thể đạt được thỏa thuận. Đường cơ sở cao hơn đồng nghĩa mức cắt giảm sản lượng thực tế thấp hơn.
Hôm 2/7, OPEC và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, đã không đạt được thỏa thuận về hạn ngạch khai thác bắt đầu từ tháng 8 tới, theo đó nhóm này cho biết cuộc thương lượng sẽ được hoãn sang ngày 5/7 tới. Nguyên nhân là do UAE đưa ra phản đối vào phút chót đối với thỏa thuận mà Nga và Saudi Arabia đạt được trước đó.
Cuộc đối đầu giữa UAE và các quốc gia còn lại trong khối có thể khiến OPEC+ không tăng sản lượng dầu. Điều này sẽ gây căng thẳng cho thị trường dầu mỏ vốn nhỏ và có nguy cơ lạm phát tăng giá.
Kế hoạch cắt giảm sản lượng của UAE được thực hiện vào năm 2018 khi công suất tối đa đạt 3,2 triệu thùng/ngày. Sau đó, các dự án mở rộng khai thác khiến sản lượng dầu tăng và nước này muốn thiết lập lại mức cơ bản lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày. UAE cho rằng sự thay đổi này là cần thiết vì theo các điều khoản hiện tại của thỏa thuận OPEC+, nước này đang cắt giảm tương đối sâu hơn so với các thành viên khác.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson thuộc hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định: "Cuộc thương lượng... sẽ khó khăn do OPEC+ biết rằng nếu UAE được phép khai thác theo hạn ngạch riêng thì các thành viên khác cũng có thể phản đối".
Nguồn tin: TTXVN