Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng ngày càng tăng lên trong dài hạn. Các mối đe dọa lên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn...
Sáng nay (22/12), Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”. Diễn đàn nhằm triển khai việc thực hiện Nghị quyết 55/NQ-TW (ngày 11/2/2020) của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, việc bảo đảm an ninh năng lượng (ANNL) được Việt Nam xác định là mục tiêu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ quan điểm bảo đảm vững chắc ANNL quốc gia là nền tảng, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững phải đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên thách thức, do đó, chủ đề ANNL trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Ông Nguyễn Đức Hiển dẫn chứng, hiện nay trên thế giới chỉ có 15-20 quốc gia xuất khẩu năng lượng (chủ yếu là xuất khẩu dầu khí), còn lại là nhập khẩu và tự túc trong việc đảm bảo năng lượng. Trong đó, hơn 80% các nước có thu nhập thấp đều phải nhập khẩu năng lượng. Nhu cầu về dầu mỏ và các sản phẩm chiếm đến 90% năng lượng ở các quốc gia và có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở châu Á… Gần 3/4 các quốc gia có thu nhập trung bình thấp thời gian mất điện trung bình là hơn 24 giờ/tháng và khoảng 1/6 các quốc gia có thu nhập thấp thời gian mất điện trung bình là 144 giờ tương ứng khoảng 6 ngày/tháng…
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn...
“Một số chỉ tiêu bảo đảm ANNL đang biến động theo chiều hướng bất lợi, ví dụ như các chỉ tiêu về trữ lượng sản xuất than, dầu khí ngày càng giảm; chỉ tiêu về sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng ngày càng tăng lên trong dài hạn. Các mối đe dọa lên quan đến ANNL ngày càng lớn và hiện hữu”, ông ông Nguyễn Đức Hiển nhận định.
Trong rất nhiều các giải pháp được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương khẳng định, đối với các nền kinh tế mới nổi cũng như đang phát triển như Việt Nam cần phải chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững hơn.
“Tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có áp lực về nguồn cung năng lượng như Việt Nam thì đều nhận thức rằng tiết kiệm năng lượng (TKNL) đóng vai trò hết sức quan trọng để giảm nhu cầu cả về nguồn sử dụng năng lượng cũng như giảm nguồn cung năng lượng cho quốc gia và cũng giảm các chất phát thải môi trường cũng như giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng sống cho người dân”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Đồng quan điểm phải tập trung vào việc phân tích sử dụng và đáp ứng nguồn năng lượng ở ta đã hợp lý chưa, GS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đặt ra rất nhiều câu hỏi lớn: “Ta mới chỉ bàn về nguồn cung, chính sách cho cung thôi, thế còn cầu thì sao? Năng lượng bây giờ rủi ro theo nghĩa gọi là phi truyền thống, nếu nó sập nguồn mà chỉ do một hệ thống ngân hàng thì điều gì sẽ xảy ra đây? Việc bảo vệ hệ thống ấy như thế nào?”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, tiềm năng về giảm phát thải khí nhà kính có thể lên tới 40% tổng tiềm năng tiềm năng tiết kiệm toàn cầu thông qua chi phí nhỏ hơn 60 Euro/tấn CO2 tương đương. Đây là khoản chi phí khá cao nhưng cho hiệu quả nhiều mặt, ở cả góc độ ANNL cũng như môi trường. Cùng với đó, tiềm năng ứng dụng các giải pháp TKNL cũng tạo ra cơ hội rất lớn về đầu tư vào lĩnh vực này, với nhu cầu vốn đầu tư các giải pháp TKNL có thể lên tới 400 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu./
Nguồn tin: VOV