|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cho dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22/2/2009 |
Những cam kết tiền tỷ từ Chính phủ Liên bang dường như chỉ có tác động nhẹ tới thị trường dầu mỏ tuần qua. Giới đầu tư dù là những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng bày tỏ những lo ngại về khả năng giá dầu giảm tiếp khi khủng hoảng kinh tế chưa thấy hồi kết.
Tại thị trường giao dịch New York hôm thứ 2, 23/2/2009 giá dầu giao dịch giảm 54 cent, tạm dừng ở mức 38,94 USD/thùng. Nhưng tệ hơn, lượng giao dịch giảm thấp kỷ lục. Phải chăng chính phủ các nước, cũng như giới đầu cơ đang đợi một mức giá thấp hơn nữa trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Chìm trong khủng hoảng
Nên chăng chúng ta kiếm tìm một hướng đi mới cho thị trường năng lượng thay vì tìm cách nâng giá.
Các nhà phân tích nhận định rằng: kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm phát bất chấp những nỗ lực giải cứu mới của nhiều quốc gia. Trung Quốc, thành trì vững chắc nhất tuần qua cũng đã công bố những thông tin về sự đổ vỡ của sức cầu tiêu dùng. Trong bối cảnh như vậy, thật khó có thể tìm ra lý do gì để thuyết phục giá dầu sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới. Để ứng phó với viễn cảnh không có gì là sáng sủa này, theo thông tin mới nhất được Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Hussain al - Shahristani đưa ra hôm 17/2 thì OPEC sẽ nhóm họp vào đầu tháng tới để tìm kiếm sự đồng thuận trong việc cắt giảm sản lượng mới. Cũng theo ông Hussain al - Shahristani OPEC đang chịu rất nhiều sức ép từ các đối tác, kể cả sức ép chính trị. Bởi mọi nỗ lực cắt giảm sản lượng để chặn đà giảm giá xăng - dầu từ OPEC đều tác động ngược tới nỗ lực phục hồi tăng trưởng của nhiều quốc gia. Đặc biệt Mỹ, việc tăng giá nhiên liệu có thể làm hỏng mọi nỗ lực từ giải pháp cứu trợ DN mới của chính quyền Barack Obama. Kinh tế xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Na Uy và các nước thành viên OPEC đang suy giảm nghiêm trọng trước đợt trượt giá chưa có điểm kết của mặt hàng năng lượng vốn được coi là chiến lược này. OPEC mong muốn đẩy giá dầu từ ngưỡng 33 USD/thùng lúc này nhích lên khoảng 40 USD/thùng. Nhưng mức giá 40 USD/thùng mà OPEC tin là phù hợp với lợi ích của khối cũng như ít cản trở tới quá trình trấn hưng kinh tế toàn cầu bị nhiều nước phản đối kịch liệt.
Đầu tư khôn ngoan
Cho tới lúc này, việc các cơ quan quản lý xăng dầu trong nước chủ trương giữ giá, bất chấp kiến nghị của các nhà nhập khẩu xem ra rất hợp lý. Tăng giá xăng - dầu lúc này có lẽ chưa hợp lý khi mà những lý lẽ "xăng đang giảm trong xu hướng tăng" chưa thuyết phục được người tiêu dùng quốc tế. Hơn thế nữa, các yếu tố trong nước cũng đang có tác động kìm giá xăng khi nhu cầu tiêu thụ xăng cũng xuống do áp lực co hẹp sản xuất ở các DN. Nhiều dự án mở rộng hoạt động đang bị đình lại, bởi trong thời điểm hiện tại ngay cả nhiều nhà máy xí nghiệp đang phải hoạt động dưới công xuất do sức tiêu thụ ở thị trường trong nước và quốc tế đều giảm. Ngoài ra một nhân tố có tính tâm lý khác đó là việc nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã cho ra sản phẩm. Cũng theo giới phân tích, trong bối cảnh trong nước cũng như quốc tế đó, thì có nên chăng chúng ta kiếm tìm một hướng đi mới cho thị trường năng lượng thay vì tìm cách nâng giá. Bởi nâng giá lúc này có thể giúp một bộ phận nhỏ các DN nhập khẩu năng lượng được rộng cảng, song cả nền kinh tế bị kìm kẹp. Nhất là trong lúc giá điện mới tăng, còn Chính phủ đang nỗ lực kích thích sản xuất, tiêu dùng. Nên xem xét bài học từ Trung Quốc, chính phủ nước này vẫn dành cả chục tỷ USD để lo cho chiến lược năng lượng. Sau khi ký kết với Venezuela dự án 8 tỷ, Bắc Kinh còn đánh đổi 25 tỉ USD cho Moscow để có được hợp đồng cung ứng năng lượng ưu ái cho 20 năm tới. Hợp đồng đồng lợi cho cả hai bên khi Nga được bơm tiền trong lúc khó khăn, còn Trung Quốc thì được cả sự bảo lãnh về năng lượng cho 2 thập kỷ tới. Có lẽ đây cũng là gợi ý sắc sảo cho VN, nhất là từ các dự án lọc hóa dầu mới của chúng ta cũng đang để mở cho cả ý tưởng nhập dầu thô về. Và xem ra đó là hình thức đầu tư hiệu quả, trong bối cảnh chính phủ bắt đầu khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
(Diễn đàn doanh nghiệp)