Giá dầu Brent giảm 0,06 USD xuống 107,45 USD/thùng.
Giá dầu WTI tăng 0,42 USD, tương đương 0,4%, lên 106,13 USD/thùng.
Giá vàng và một số kim loại quý khác giảm trong phiên giao dịch 12/5.
Giá dầu diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 12/5 trong bối cảnh tâm lý lo lắng liên quan tới nguồn cung dầu và căng thẳng địa chính trị tại châu Âu liên tục gia tăng, đối đầu với triển vọng nhu cầu dầu mỏ ảm đạm trong thời gian tới.
Giá dầu Brent giảm 0,06 USD xuống 107,45 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,42 USD, tương đương 0,4%, lên 106,13 USD/thùng.
“Khối lượng giao dịch trong ngày không nhiều, và không ai biết chắc chắn điều gì sẽ tác động lên thị trường trong thời gian tới”, theo John Kilduff, chuyên gia của Again Capital LLC, New York.
Một lệnh cấm dầu nhập khẩu dầu từ Nga, nhà cung cấp năng lượng chính cho khu vực châu Âu, vẫn đang trong quá trình chờ được phê chuẩn. Một khi được thông qua, lệnh cấm này sẽ có tác động lớn tới nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Để lệnh cấm chính thức có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) cần sự đồng thuận của toàn bộ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Hungary vẫn đang trong quá trình cân nhắc kỹ càng, vì dầu nhập khẩu từ Nga đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia này.
Thị trường dầu mỏ và tài chính đối diện với không ít áp lực trong tuần này trong bối cảnh nhà đầu tư quan ngại về triển vọng tăng lãi suất của một số ngân hàng trung ương, đà tăng giá của đồng USD lên ngưỡng cao nhất 20 năm và rủi ro lạm phát, suy thoái kinh tế.
Các lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19 kéo dài tại Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường dầu mỏ toàn cầu.
“Tốc độ tăng trưởng nhu cầu giảm vào đúng thời điểm thị trường gặp khó, với rủi ro Trung Quốc có thể phong tỏa thủ đô Bắc Kinh tại bất cứ thời điểm nào”, Bob Yawger, Giám đốc Khối hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho.
Chỉ số lạm phát toàn phần của Mỹ trong tháng 4 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021, châm ngòi những lo lắng về các đợt tăng lãi suất mạnh trong thời gian tới và tác động của chúng lên tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số 1 thế giới.
“Giá nhiên liệu tăng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm được dự báo sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ dầu trong phần còn lại của năm 2022 và trong năm 2023”, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
“Các đợt phong tỏa kéo dài tại Trung Quốc cũng đang tác động xấu tới tăng trưởng của quốc gia này”, IEA cho biết.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu của thế giới trong năm 2022, nhấn mạnh vào các tác động từ cuộc xung đột Ukraine, lạm phát và đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc
Trong ngày 11/5, giá dầu tăng 5% sau khi Nga công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 31 công ty năng lượng của nhiều quốc gia.
Điều này gây ra sự bất ổn trên thị trường, trong thời điểm lượng khí đốt chảy vào châu Âu qua lãnh thổ Ukraine đã giảm 1/4. Đây là lần đầu tiên sau khi xung đột nổ ra, dòng chảy năng lượng xuất khẩu của Nga qua Ukraine bị gián đoạn.
Kim loại quý
Vàng và một số kim loại quý khác đồng loạt giảm trong phiên giao dịch 12/5 trong bối cảnh giá đồng USD tăng mạnh.
Giá vàng giao ngay giảm 1,5% xuống 1.832,79 USD/ounce ghi nhận tại thời điểm 16h00 giờ ET. Giá vàng tương lai cũng giảm 1,7% xuống 1.823 USD/ounce.
“Đồng bạc xanh tăng giá mạnh đang có tác động tiêu cực tới giá vàng. Thị trường dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy mạnh tăng lãi suất trong thời gian tới”, theo Bart Melek, Giám đốc chiến lược thị trường hàng hóa tại TD Securities.
Đồng USD tăng giá lên ngưỡng cao nhất 20 năm, khiến cho vàng trở nên ít hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
“Tuy nhiên, giá vàng vẫn sẽ diễn biến tích cực hơn so với một số loại kim loại quý khác”. Nhu cầu những kim loại đó sẽ bị ảnh hưởng một khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, Melek bổ sung.
Giá bạc giao ngay giảm 3,9% xuống 20,72 USD/ounce.
Giá Palladium giảm 6,1% xuống 1.911,79 USD/ounce. Giá Platinum giảm 5% xuống 941,54 USD/ounce.
Nguồn tin: NDH