Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hàng hóa do hãng tin Financial Times tổ chức, lãnh đạo các nhà kinh doanh hàng hóa lớn bày tỏ lo ngại về việc thiếu hụt đầu tư vào phát triển các mỏ dầu mới. Các nhà kinh doanh cho rằng, bất chấp sự phát triển của năng lượng xanh, nhu cầu về dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới.
Việc thiếu các khoản đầu tư cần thiết có nguy cơ gây sụt giảm mạnh nguồn cung, đẩy giá cầu có thể tăng lên 100 USD/thùng. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào động thái OPEC+, liên minh có năng lực sản xuất dầu lớn nhất và có thể ngăn chặn đà tăng đáng kể của giá dầu trong năm nay.
Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng giám đốc điều hành Vitol Russell Hardy nhận định, giá dầu sẽ ở trong khoảng 70-80 USD/thùng cho đến cuối năm 2021. Ông Hardy cho rằng, tình hình thị trường dầu mỏ trong những tháng tới sẽ rất hấp dẫn khi OPEC vẫn chưa tiết lộ quân bài của mình, đồng thời thị trường đang chờ đợi những tin tức từ Iran. Những người chơi trên thị trường, chủ yếu là các nhà giao dịch hàng hóa đang kỳ vọng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được hoàn tất trong tương lai gần. Theo thỏa thuận này, Iran sẽ cho phép cộng đồng quốc tế kiểm soát chương trình hạt nhân của mình để đối lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo ông Hardy, nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran có thể tăng đáng kể nguồn cung dầu cho thị trường quốc tế trong tháng 9-11 tới. Các hạn chế khai thác dầu thô trong khuôn khổ OPEC+ hiện tại có hiệu lực đến hết tháng 7/2021. Sau đó, liên minh này sẽ phải đưa ra các quyết định nhằm ổn định nguồn cung dầu thô ra thị trường. OPEC+ muốn giữ tình hình trong tầm kiểm soát để quá trình tăng sản lượng diễn ra dần dần và thị trường nhìn nhận điều này một cách tích cực. Tính kỷ luật trong OPEC+ khá cao và khả năng ảnh hưởng đến thị trường của liên minh này sẽ hỗ trợ giá dầu. Giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng, nhưng kịch bản như vậy khó xảy ra trong tương lai gần do công suất sản xuất dự trữ toàn cầu đang ở mức 5,5 triệu thùng/ngày. Giá dầu ở mức cao như hiện nay chủ yếu xuất phát từ chính sách kiềm chế sản lượng của OPEC+, nhu cầu tiêu thụ phục hồi và dự trữ dầu thô giảm ở các nước phát triển.
Người đứng đầu Total cũng cho biết, hiện chưa thể nói về sự bắt đầu một “siêu chu kỳ” vì tình hình thị trường dầu mỏ đang được kiểm soát, không giống như tình hình năm 2008. Vitol kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2022. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ xăng sẽ phục hồi trong quý IV năm nay và tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu sẽ vượt mức trước đại dịch. Chỉ có nhu cầu về nhiên liệu máy bay là chưa thể phục hồi và vẫn duy trì ở mức rất thấp. Hãng cũng dự báo, nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2030, sau đó sẽ ổn định trong thập kỷ tiếp theo và sự sụt giảm đáng kể nhu cầu dầu sẽ bắt đầu sau năm 2040. Vitol cũng cảnh báo về nguy cơ sụt giảm nguồn cung quy mô lớn trong giai đoạn 2025 - 2035.
Đối với Vitol, hãng sẽ tiếp tục đầu tư vào các tài sản thượng nguồn song song với đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Tập đoàn này dự kiến sở hữu giấy cấp phép khai thác dầu tại lưu vực Permian - trung tâm sản xuất hơn 40% sản lượng dầu của Mỹ, thông qua công ty con Vencer Energy. Tuy nhiên, hãng khá thận trọng về khả năng khôi phục toàn bộ sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ về mức kỷ lục trong năm 2019. Sẽ không xảy ra “cơn sốt” khai thác dầu đá phiến như đã từng xảy trong giai đoạn 2017 - 2018.
Trên 100 USD/thùng hoặc dưới 50 USD/thùng?
Lãnh đạo của tập đoàn Trafigura Jeremy Weir cho biết, thiếu hụt đầu tư vào sản xuất dầu khí có thể khiến giá dầu tăng lên tới 100 USD/thùng. Điều này có thể xảy ra trước khi nhu cầu dầu mỏ đạt đỉnh. Ông Weir cảnh báo, tình hình nguồn cung đang rất báo động. Trữ lượng dự trữ đã thăm dò giảm từ 15 năm xuống còn 10 năm. Trong vòng 5-6 năm qua, đầu tư vào sản xuất dầu hàng năm đã giảm từ 400 tỷ USD/năm xuống còn hơn 100 tỷ USD/năm. Việc thiếu đầu tư vào sản xuất có thể khiến giá dầu tăng hơn nữa.
Giám đốc điều hành công ty hàng hóa Mercuria Marco Dunand nhận định, giá dầu sẽ duy trì ở mức 70 USD/thùng trong một thời gian và tình hình sẽ thay đổi khi OPEC+ quyết định nới lỏng sản lượng. Ông Dunand cho rằng, OPEC+ sẽ tăng sản lượng nếu giá dầu vượt quá 75 USD/thùng nhằm ngăn chặn sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến. Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ vượt quá 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021 so với mức 95 triệu thùng/ngày hiện nay. Đến cuối cùng, công suất khai thác dầu dự trữ của thế giới sẽ tăng lên 6 triệu thùng/ngày (chưa tính đến sản lượng từ Iran và Venezuela).
Ông Dunand cũng dự báo rằng, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ trong năm nay sẽ tăng 300.000 thùng/ngày và tăng thêm 1 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Thị trường hoàn toàn có thể hấp thụ sản lượng khai thác bổ sung này. Có nhiều kịch bản khác nhau cho sự phát triển của giá dầu trên cơ sở những sự kiện trên thị trường dầu mỏ. Theo đó, giá dầu có thể tăng lên tới 100 USD/thùng hoặc ngược lại, giảm xuống dưới 50 USD/thùng. Ngoài ra, các quyết định chính trị có thể tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ. Những quyết định như vậy có thể được đưa ra tại Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP26), sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới đây.
Nguồn tin: PetroTimes