Mặc dù biến động khá thất thường trong tuần, song với đà tăng ở phiên cuối tuần, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn ghi nhận tuần đi lên thứ ba liên tiếp.
Các tín hiệu lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã đẩy lùi lo ngại về nguy cơ “nóng” lên của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, những số liệu mới nhất cho thấy sản lượng dầu toàn cầu có xu hướng giảm cũng góp phần hỗ trợ giá “vàng đen”.
Giá dầu thế giới đã mất hơn 2% trong ngày giao dịch đầu tuần (14/1) trước áp lực của số liệu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu ở Trung Quốc đang giảm sút, qua đó làm dấy lên những lo ngại rằng đà tăng trưởng kinh tế giảm tốc trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, giá dầu đã đảo chiều đi lên trong hai phiên giao dịch liên tiếp liền sau đó, khi Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc vừa phát đi tín hiệu sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Theo Gene McGillian, Giám đốc mảng nghiên cứu thị trường của Tradition Energy ở Stamford (Mỹ), những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế suy giảm trong năm 2019 dường như đã tạm lắng xuống khi thị trường đón nhận những thông tin báo hiệu rằng nền kinh tế có thể diễn tiến tốt hơn dự kiến.
Dù vậy, biên độ tăng phần nào bị tác động bởi việc Hạ viện Anh bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí trước đó. Thỏa thuận bị bác bỏ với tỷ lệ 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo đã cắt giảm sản lượng 751.000 thùng dầu/ngày trong tháng 12/2018 trước khi thỏa thuận mới về việc hạn chế nguồn cung dầu có hiệu lực, cho thấy tổ chức này đã tạo một bước khởi đầu khá rắn chắc trong việc ngăn chặn tình trạng dư cung trong năm 2019.
Tuy nhiên, lượng dự trữ các chế phẩm dầu mỏ đang gia tăng tại Mỹ và sản lượng dầu thô vẫn đang ở mức cao kỷ lục, trong khi triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu kém trên toàn cầu vấn tạo sức ép lên thị trường dầu mỏ. Trong báo cáo thị trường hàng tháng công bố ngày 17/1, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trung bình trên toàn cầu năm 2019 xuống 30,83 triệu thùng/ngày, giảm 910.000 thùng so với mức tương ứng của năm 2018.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (ngày 18/1), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2/2019 tại thị trường New York tăng 1,73 USD (3,3%), lên 53,80 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2019 cũng tăng 1,52 USD (2,5%), lên 62,7 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI tăng 4,3%, còn dầu Brent tăng 3,7%.
Theo báo cáo cùng ngày của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 21 giàn, xuống còn 852 giàn khoan trong tuần kết thúc ngày 18/1, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp và là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2016. Điều này báo hiệu sản lượng dầu tại Mỹ có thể giảm trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ đà tăng của giá dầu mỏ.
Dự kiến, báo cáo hàng tháng về hoạt động khoan dầu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), bao gồm ước tính về sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 2/2019, sẽ được công bố sau ngày nghỉ lễ Martin Luther King, Jr./.
Nguồn tin: bnews.vn