Bộ Công an đang điều tra “Dự án khai thác và nâng cấp dầu lô nặng Junin 2” mà Tập đoàn Dầu khí (PVN) liên doanh với đối tác Venezuela trong đó Việt Nam góp vốn với tổng giá trị 1,24 tỉ đô la cùng phí tham gia hợp đồng không thu hồi được. Từ dự án Junin 2 nhìn về tổng thể các liên doanh dầu khí mà Việt Nam tham gia, hiệu quả đến đâu?
Một mỏ dầu của PVN liên doanh với nước ngoài. Ảnh:PVN
“Sự thật” về khoản tiền hoa hồng
Dự án khai thác dầu khí Junin 2 tại Venezuela là tâm điểm chú ý của dư luận gần đây sau khi Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn - tại thời điểm 2010 đang là Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), đơn vị ký hợp đồng trong liên doanh này - bất ngờ gửi đơn từ chức.
Dự án có tổng giá trị đầu tư 12,4 tỉ đô la. Song ở giai đoạn 1, theo tỷ lệ 40% vốn góp trong liên doanh, PVN sẽ phải đóng 1,24 tỉ đô la và 584 triệu đô la “phí tham gia hợp đồng”. Như vậy, Việt Nam sẽ phải góp 1,825 tỉ đô la.
Tuy nhiên, khi dự án chưa có giấy phép đầu tư và bị các cơ quan của Quốc hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính phản ứng thì PVN đã rót 635 triệu đô la chi phí các loại trong đó có 442 triệu đô la phí tham gia hợp đồng (bonus), coi như mất trắng. Và cũng theo hợp đồng đã ký, toàn bộ số cổ phần của PVEP trong liên doanh bị tự động chuyển cho đối tác vì không thanh toán đúng hạn. Xung quanh mức phí tham gia hợp đồng đã mất, có rất nhiều ý kiến cho rằng, khi chưa tiến hành thăm dò và hút một giọt dầu nào, khoản tiền “lại quả” mất cho đối tác rất phi lý.
Hôm 21-3, PVN đã phát đi văn bản giải trình về khoản chi phí này. Theo đó, tiền hoa hồng ở các hợp đồng dầu khí thực chất là khoản tiền mà nhà thầu nước ngoài phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí, theo thông lệ ngành dầu khí quốc tế. PVN nói khoản tiền này giống như tiền đi mua hồ sơ thầu, giá trị của nó cao hay thấp tùy thuộc vào tổng thể giá trị hợp đồng. Khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu cho Việt Nam thì phía PVN phải trả tiền. Nói khác đi, nó là một loại tiền cọc để buộc tham gia dự án.
Doanh nghiệp cũng giải thích rằng: Các công ty nước ngoài vào Việt Nam khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này. Ví dụ, BHP (Anh) đã phải trả quyền khai thác ở mỏ Đại Hùng 90 triệu đô la. Hay khi PVN liên doanh với phía Nga khai thác dầu ở mỏ Nhenhetxky thì cũng phải trả phí tham gia hợp đồng gần 100 triệu đô la.
Việc thanh toán khoản phí này cũng theo luật dầu khí của từng nước. Cụ thể, trong dự án Junin 2, khoản tiền phí tham gia dự án này là 584 triệu đô la và phải chuyển ngay 300 triệu đô la theo quy định của Venezuela. Phía PVN khẳng định: “Venezuela không chia chác, “lại quả” với nhà đầu tư Việt Nam”.
Vẫn theo PVN thì ở Venezuela, Nga cũng phải chi cho Công ty Dầu khí quốc gia nước này (PDVSA) 1 tỉ đô la tiền phí tham gia hợp đồng. Và phía Venezuela cũng sẵn sàng cho Việt Nam chọn một lô khác nếu thấy thuận lợi, có hiệu quả kinh tế khá hơn.
Tuy nhiên, những số tiền đã mất tại dự án Junin 2 là không thể lấy lại được và PVN nhận định rằng đây là “rủi ro”.
Hiệu quả hàng loạt liên doanh khác thì sao?
Tin từ PVN cho biết, ở Việt Nam ngoài mỏ Bạch Hổ có trữ lượng lớn và khai thác từ năm 1986 đến nay hầu như đã cạn kiệt, thì hầu hết các mỏ dầu của Việt Nam đều bị đánh giá là trữ lượng nhỏ, không đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Đó là lý do mà hàng chục các tập đoàn dầu khí lớn ở nước ngoài đã rút lui sau khi thăm dò.
Thậm chí, do giá dầu xuống thấp như ba năm gần đây thì mỏ Sông Đốc (cách mũi Cà Mau khoảng 205km về phía Tây Nam) được vận hành từ 2008 cũng bị các đối tác trong liên doanh trả lại. Liên doanh này có tên là Công ty điều hành chung Trường Sơn (TS JOC) gồm Talisman (Canada) 30%, Petronas Carigali Overseas (Malaysia) và Việt Nam. TS JOC nay đã dừng dự án và bàn giao lại mỏ cho Việt Nam cuối 2013.
Mặt khác, Việt Nam có trên 40 công ty dầu mỏ nước ngoài đang đầu tư vào các khâu từ thượng nguồn đến hạ nguồn dầu khí chủ yếu dưới hình thức góp vốn. Hiệu quả các liên doanh không được công bố cụ thể nhưng tại thời điểm 2016, khi giá dầu suy giảm nhiều mỏ đã đóng cửa do chi phí khai thác quá cao không đem lại hiệu quả.
PVN cũng đi góp vốn với Liên bang Nga để thành lập các liên doanh thăm dò tại Nga và 38/100 mỏ đã đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước của Chính phủ thì 13 dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí của PVN tại nước ngoài hầu hết không hiệu quả, buộc phải dừng hoặc chuyển nhượng dự án cho đối tác nước ngoài. Trong số này chỉ có hai dự án tại Nga góp 1,2 tỉ đô la có dòng tiền chuyển về nước, đem lại hiệu quả. Các dự án tại Peru, Malaysia rơi vào tình trạng tương tự như Junin 2.
Nguồn tin: thesaigontimes.vn