Tôi cho rằng các cơ quan chức năng đã không quyết liệt khắc phục tình trạng độc quyền của xăng dầu (cũng giống như độc quyền của ngành điện).
Vấn đề này, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, không nên trách người kinh doanh là phải, chỉ trách là ta chưa có chính sách hợp lý, luôn để cho doanh nghiệp đưa ra những giải thích không hợp lý (chẳng hạn taxi đã đưa ra những biện hộ vô lý đến buồn cười như "chúng tôi chưa giảm giá taxi được là vì điều chỉnh đồng hồ đo giảm xuống khó khăn". Tại sao điều chỉnh tăng thì dễ dàng vậy?
Xét kỹ các lời phân trần của các nhà kinh doanh xăng dầu cũng đủ thấy doanh nghiệp vận hành không đúng cơ chế thị trường. Khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì không thể nói rằng "cố gắng vận hành theo cơ chế thị trường", mà vận hành theo cơ chế thị trường là tất yếu của nhà kinh doanh.
Việc giá xăng dầu trên thế giới tăng hoặc giảm, điều đó có nghĩa là việc tăng hoặc giảm đó sẽ ảnh hưởng tới cả người tiêu dùng lẫn nhà kinh doanh cho dù đó là ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực. Hà cớ gì khi giá dầu thế giới tăng thì nhà kinh doanh tăng giá bán lẻ, còn giá dầu thế giới giảm thì không chịu giảm? Nhà kinh doanh không thể lấy việc kinh doanh của thời điểm này để bù lỗ cho thời điểm khác được. Như thế là không vận hành theo thị trường.
Nhà nước không nên bảo hộ cho các nhà kinh doanh xăng dầu trong tất cả thời điểm như vừa qua. Họ là nhà kinh doanh nên điều tất yếu là họ phải nắm được thị trường, chuyện lời hay lỗ của họ không thể đổ lên đầu người tiêu dùng như vậy được.
(Tuổi trẻ)