Theo điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (3-7), giá xăng dầu đồng loạt giảm (trừ dầu mazut). Trong đó, giá xăng RON95 giảm 587 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, về mức hơn 21.000 đồng/lít.
Cụ thể, từ 15 giờ chiều nay, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: Không cao hơn 20.470 đồng/lít (giảm 408 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 958 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: Không cao hơn 21.428 đồng/lít (giảm 587 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 18.169 đồng/lít (giảm 5 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành);
- Dầu hỏa: Không cao hơn 17.926 đồng/lít (giảm 30 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 14.623 đồng/kg (tăng 36 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Giá xăng RON95 giảm gần 600 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, về mức hơn 21.000 đồng/lít. Ảnh minh họa: congthuong.vn
Tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu, đồng thời, không chi quỹ với tất cả mặt hàng xăng, dầu.
Biến động giá xăng dầu từ đầu năm đến nay.
Bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết ra thị trường
* Tại cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 đạt 9,779 triệu m3/tấn (nhập khẩu chiếm 42,64%, sản xuất trong nước chiếm 52,36%) cùng với lượng tồn kho khoảng 1,577 triệu tấn/m3, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, đầu mối kinh doanh xăng dầu và các đơn vị liên quan nghiêm túc tự đánh giá và báo cáo trung thực về kết quả hoạt động của đơn vị mình trong 6 tháng qua dựa trên các quy định hiện hành, gửi Bộ Công Thương trước ngày 15-7-2023. Đây là căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
Dự báo nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ bị gián đoạn trong thời gian từ trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9, đầu tháng 10 (do bảo dưỡng định kỳ). Vì vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn chủ động có phương án (cả kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu…) trong mọi tình huống để hoạt động hết/vượt công suất, bảo đảm đủ nguồn cung theo cam kết của mình ra thị trường...
Nguồn tin: Quân đội nhân dân