Giá dầu tăng ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh những dấu hiệu sơ bộ cho thấy số ca nhiễm virus corona đang chậm lại tại Trung Quốc, làm dịu đi lo ngại về tác động tới nhu cầu từ dịch bệnh tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới này.
Dầu thô Brent tăng 73 US cent hay 1,3% lên 54,75 USD/thùng. Dầu WTI tăng 46 US cent hay 0,9% lên 50,39 USD/thùng.
Theo số liệu tính tới ngày 10/2, tốc độ tăng trưởng của số ca nhiễm virus corona tại Trung Quốc đã chậm lại xuống mức thấp nhất kể từ ngày 31/1.
Lệnh cấm du lịch tới và đi từ Trung Quốc và cấm di chuyển hàng hóa trong nước đã cắt giảm nhu cầu nhiên liệu. Hai nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc cho biết họ sẽ giảm xử lý khoảng 940.000 thùng dầu mỗi ngày do tiêu thụ giảm, hay khoảng 7% lượng xử lý của họ trong năm 2019.
ANZ Research cho biết “lo ngại về nhu cầu yếu tại Trung Quốc đang buộc nhiều nhà sản xuất tìm nguồn thay thế”. “Các công ty như Vitol, Shell và Litasco đang chuẩn bị thuê siêu tàu để chứa dầu thô lẽ ra được bán cho Trung Quốc”.
Cố vấn y tế cao cấp của Trung Quốc ngày 11/2 cho biết sự bùng phát dịch bệnh có thể kết thúc vào tháng 4.
Lo ngại nhu cầu từ sự bùng phát dịch bệnh đã đẩy dầu thô Brent và WTI xuống mức thấp nhất trong 13 tháng. Cả hai loại dầu này đã giảm hơn 20% từ mức cao nhất đạt được trong tháng 1/2020.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay 310.000 thùng/ngày do sự bùng phát của virus làm giảm tiêu thụ dầu tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Về phía nguồn cung, tổ chức OPEC và các đồng minh gồm Nga gọi là OPEC+ tuần trước đã đề xuất cắt giảm thêm 600.000 thùng/ngày để ngăn chặn giá dầu sụt giảm.
Tuy nhiên, Nga đã do dự cam kết cắt giảm thêm, trong khi Saudi Arabia muốn các nhà sản xuất dầu lớn toàn cầu đồng ý cắt giảm nhanh chóng nguồn cung.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 6 triệu thùng trong tuần tính tới ngày 7/2/2020 lên 438,9 triệu thùng, vượt dự đoán của các nhà phân tích tăng 3 triệu thùng, theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ. Số liệu chính thức của EIA thông báo vào ngày hôm nay.
Khí tự nhiên tăng từ mức thấp nhất trong gần 4 năm
Khí tự nhiên của Mỹ tăng từ mức thấp nhất trong gần 4 năm do dự báo thời tiết lạnh hơn một chút vào cuối tháng 2 so với dự báo trước đó.
Trong tuần qua, thị trường của Mỹ đã sụt giảm do dự báo thời tiết ôn hòa hơn, sự sụt giảm trong nhu cầu sưởi và giá LNG trên toàn cầu thấp kỷ lục.
Khí tự nhiên giao tháng 3 trên sàn giao dịch New York tăng 2,2 US cent hay 1,2% đóng cửa phiên 11/2/2020 tại 1,788 USD/mmBtu.
Kể từ khi đạt mức cao nhất 8 tháng tại 2,905 USD/mmBtu trong đầu tháng 11/2019, giá khí đã giảm 38%. Giá LNG tại Châu Âu và Châu Á cũng ở mức thấp kỷ lục do sự bùng phát virus corona làm giảm nhu cầu tại Trung Quốc. Giá cũng giảm trong nhiều tháng qua do thời tiết mùa đông ôn hòa ở khu vực này, dự trữ khí tại Châu Âu đạt kỷ lục và tăng trưởng kinh tế giảm bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Refinitiv dự báo nhu cầu trung bình tại 48 tiểu bang gồm cả xuất khẩu sẽ chỉ đạt 120 tỷ feet khối mỗi ngày trong tuần này và 120,6 bcfd trong tuần tới.
Các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ đang trông chờ vào xuất khẩu LNG tiếp tục tăng đặc biệt trong những năm tới để tiêu thụ khối lượng khí kỷ lục liên quan tới sản xuất dầu từ các khu vực đá phiến như Permian tại tây Texas và Bakken tại Bắc Dakota. Xuất khẩu LNG tăng 53% trong năm 2018 và 68% trong năm 2019 và dự kiến tăng lên 30% trong năm 2020.
Bảng giá năng lượng thế giới sáng 12/2/2020
Mặt hàng | Đơn vị tính | Giá hiện nay | +/- | Thay đổi so với 1 ngày trước | Thay đổi so với 1 năm trước |
Dầu WTI | USD/thùng | 50,6456 | 0,74 | 1,48 % | -5,97% |
Dầu Brent | USD/thùng | 55,0924 | 1,03 | 1,91 % | -13,35% |
Khí tự nhiên | USD/mmBtu | 1,7934 | 0,0044 | 0,25 % | -30,35% |
Xăng | USD/gallon | 1,5398 | 0,0171 | 1,12 % | 5,09% |
Dầu đốt | USD/gallon | 1,6528 | 0,0159 | 0,97 % | -14,71% |
Nguồn tin: vinanet.vn