Ngay trước thềm hội nghị bất thường của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại thủ đô Algers của Algeria - được kỳ vọng là sẽ đưa đến một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng khai thác dầu, Nga đã làm cả thế giới hoang mang khi công bố dự thảo ngân sách của Moskva trong 3 năm tới là dựa trên kịch bản giá dầu 40USD/thùng. Vì sao Nga lại thiếu niềm tin vào tăng trưởng giá dầu như vậy và cái bắt tay hợp tác với Arập Xêút để bình ổn thị trường dầu mỏ tại Hàng Châu phải chăng không có ý nghĩa gì?
Thực tế, sự hợp tác giữa Nga và Arập Xêút có nghĩa là - “đóng băng” sản lượng khai thác dầu, cắt giảm, nâng lên hay giữ nguyên trạng, vẫn còn chưa chắc chắn. Kết quả của việc hợp tác này phụ thuộc vào Arập Xêút và đánh giá của Nga về các ý định của bên kia, cũng như niềm tin giữa hai bên về việc bên kia sẽ tuân thủ thỏa thuận. Bởi, mặc dù cả hai nước đều đang phải đối mặt với những khó khăn lớn do giá dầu sụt giảm, đều phải đang tìm cách cải thiện tình hình và đa dạng hóa cơ sở tài sản và nguồn thu nhập của mình, cũng như cân nhắc bán hàng tỉ tài sản năng lượng và tài nguyên của mình (chẳng hạn, với Nga là tư nhân hóa một phần Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft và với Arập Xêút là phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) Công ty năng lượng Saudi Aramco), nhưng cái thế của Moskva và Riyadh là khác nhau.
Giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt áp đặt bởi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Nga trong vài năm qua.
Theo Kho bạc Liên bang Nga, thâm hụt ngân sách liên bang của Nga đã lên tới 1,5 nghìn tỉ ruble (23,2 tỉ USD) từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, Bộ Tài chính Nga đã phải 3 lần rút từ Quỹ dự trữ khoản tiền lên tới 1,17 nghìn tỉ ruble (18,05 tỉ USD) để bù đắp thâm hụt ngân sách của nước này. Đến tháng 8 vừa qua, tiền trong Quỹ dự trữ của Nga đã giảm xuống còn 32,22 tỉ USD. Trước đó vào tháng 7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Sergey Storchak cho biết, ông không loại trừ khả năng Quỹ dự trữ Nga có thể bị cạn kiệt vào năm 2017.
Một giàn khoan dầu của Nga ở Siberia
Còn Arập Xêút, dù thâm hụt ngân sách đã đạt mức kỷ lục - 98 tỉ USD vào năm ngoái và doanh thu giảm do giá dầu thấp, nhưng hồi tháng 3 năm nay, tài sản nước ngoài ròng của Arập Xêút vẫn còn gần 600 tỉ USD, theo ước tính của các ngân hàng quốc tế.
Hơn nữa, hầu hết trữ lượng dầu mỏ của Arập Xêút là lớn và nằm gần bề mặt, do đó dễ dàng trích xuất. Saudi Aramco không phải trả bất kỳ một khoản thuế tài nguyên nào, trong khi chi phí thăm dò lại thấp và tất cả các chi phí từ thăm dò, chế biến, vận chuyển và tinh chế được áp dụng trên toàn bộ công ty, không tính chi phí riêng cho từng khâu nào. Với Arập Xêút, tăng, giảm, hay giữ nguyên mức khai thác không phải là vấn đề gì lớn lao, nếu muốn. Bản thân Riyadh cũng có vẻ chẳng mặn mà lắm với việc “đóng băng” sản lượng. Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút mới đây tuyên bố đó chỉ là một khả năng và việc này hiện nay là không cần thiết, vì thị trường đã được cải thiện từng ngày. Họ chỉ cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô với điều kiện Iran cũng nhất trí “đóng băng” sản lượng trong năm nay.
Đối với Nga, việc điều chỉnh mức khai thác không dễ vì nhiều lý do. Hầu hết các mỏ dầu lớn của Nga nằm dưới đồng bằng Siberia rộng lớn, có khí hậu khắc nghiệt, địa chất phức tạp, làm cho quá trình khai thác khó khăn hơn nhiều. Khi đã đưa một giếng dầu vào khai thác, Nga không thể chặn bơm dầu được, vì nếu dừng bơm dầu, giếng sẽ bị đóng băng. Nga cũng không thể đủ khả năng để thay đổi mức khai thác một cách nhanh chóng như Arập Xêút. Các mỏ dầu của Nga thường mất 30-40 năm mới đạt sản lượng đỉnh, mặc dù nhờ những tiến bộ công nghệ, chu trình công nghiệp này đã giảm được thời gian.
Mặt khác, do ngành công nghiệp dầu phải chịu nhiều loại thuế phức tạp và khá cứng nhắc, nên dù giá dầu có tăng cao và mức khai thác thấp hơn, thì cũng không có nghĩa là các công ty dầu mỏ Nga sẽ có lợi nhuận cao hơn. Hệ thống thuế áp dụng trong ngành công nghiệp dầu khí từ lâu đã cần một cuộc cải cách. Liên Bộ Năng lượng và Tài chính Nga đã công bố kế hoạch sửa đổi thuế vào đầu năm nay.
Đối với Nga, do thuế phức tạp và khá cứng nhắc áp dụng vào ngành công nghiệp dầu, mức sản xuất thấp hơn và giá dầu tăng cao sẽ không nhất thiết có nghĩa là lợi nhuận cao hơn cho các công ty dầu mỏ của Nga. Các hệ thống thuế công nghiệp dầu khí từ lâu đã cần một cuộc cải cách. Bộ Năng lượng Nga và Bộ Tài chính công bố kế hoạch sửa đổi thuế vào đầu năm nay, nhưng dự thảo này vẫn chưa được phê duyệt.
Theo tờ báo Nga Vedmosti, dự thảo luật thuế sửa đổi của nước này sẽ loại bỏ thuế và các khoản thu khai thác, thay thế bằng kế hoạch đánh thuế dựa trên lợi nhuận của các nhà sản xuất năng lượng. Theo quy định mới, mức thuế trên thu nhập gia tăng (TAI) sẽ là 50% và chỉ được áp dụng khi công ty có cơ hội để phục hồi chi phí vốn của mình và bắt đầu kiếm được lợi nhuận. Điều này giúp thúc đẩy khai thác các mỏ dầu mới và đẩy nhanh thời gian thu hồi chi phí cho một số mỏ dầu đã bị “già hóa” của Nga.
Nhưng có vẻ như Bộ Tài chính sẽ không thỏa hiệp về thuế khai thác khoáng sản (MET). Loại thuế này trước đây đã bị Bộ Năng lượng và các nhà khai thác dầu mỏ của Nga phản đối, nhưng sự vận động hành lang của họ cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Vedomosti cho hay, các nguồn tin từ Bộ Tài chính nói với truyền thông rằng “MET sẽ được tăng lên. Nó chỉ là vấn đề thời gian trước khi tin tức này được công bố”. Tin tức này cũng trùng hợp với tiết lộ của một quan chức Bộ Tài chính Nga trên Tạp chí Forbes, rằng “để bù đắp cho sự thiếu hụt 40 tỉ ruble, Nga sẽ tăng thuế khai mỏ với các mỏ dầu”.
Ông Putin cuối cùng sẽ phải quyết định bên mà ông sẽ hỗ trợ trong cuộc tranh cãi này: Bộ Tài chính - người nhấn mạnh phải thắt lưng buộc bụng và tìm mọi cách để tăng nguồn thu, hay Bộ Năng lượng và các công ty dầu mỏ - những người kêu gọi giảm bớt gánh nặng thuế MET, đặc biệt là với các giếng dầu cũ. Trong trường hợp này, cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác dầu trong một khoảng thời gian dài có thể không phải là một lựa chọn khả thi của Nga. Thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn trên thị trường châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ, đẩy Arập Xêút ra khỏi các thị trường béo bở này, so với cắt giảm sản lượng sẽ có ý nghĩa hơn với Nga trong ngắn hạn.
Một trong những bằng chứng cho thấy Moskva cũng có sự tính toán, so đo nhất định là việc sản lượng khai thác dầu của Nga trong tháng 8 - 2016 đã đạt 11 triệu thùng/ngày - cao nhất trong vòng 25 năm qua. Bên cạnh đó, hiện có tin chưa được kiểm chứng nói rằng, Nga sẽ tham gia các cuộc thảo luận “đóng băng” với OPEC chỉ khi các thành viên OPEC thỏa thuận được với nhau về việc này.
Do đó, việc Nga xây dựng dự thảo ngân sách với kịch bản giá dầu 40USD/thùng có thể bất ngờ nhưng không khó hiểu khi mà Moskva còn phải cân nhắc chọn ngắn hạn, hay dài hạn và còn thiếu niềm tin vào hành động của Arập Xêút.
Nguồn tin: Petrotimes