Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ áp thuế đối với dầu thô chua nặng, một động thái có thể ảnh hưởng nặng nề đến Venezuela khi nước này tiếp tục vật lộn với các lệnh trừng phạt của Mỹ và một ngành công nghiệp dầu mỏ đang suy tàn. Giới truyền thông cho rằng khoảng 400.000 thùng dầu của Venezuela mỗi ngày có thể bị ảnh hưởng vì luật thuế mới của Trung Quốc khiến nước này không thể xuất khẩu dầu thô sang châu Á. Các quy định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 12/6 sẽ làm cho biên lợi nhuận từ việc lọc dầu của Venezuela trở nên quá thấp để đảm bảo con đường xuất khẩu hiện tại của nước này.
Venezuela đã không xuất khẩu dầu trực tiếp sang Trung Quốc kể từ năm 2019, phần lớn là do các lệnh trừng phạt của Mỹ tiếp tục làm hạn chế xuất khẩu dầu của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhập khẩu dầu của Venezuela thông qua các nhà máy lọc dầu của Malaysia, nơi số dầu này được trộn với dầu nhiên liệu hoặc bitum trước khi tiếp tục đưa sang Trung Quốc. Các quy định mới của Trung Quốc có thể làm tăng thêm khoảng 30 đô la mỗi thùng vào loại "bitum pha loãng" này, khiến nó trở nên bất khả thi về mặt kinh tế. Dầu tuần hoàn nhẹ (LCO) và chất thơm cũng sẽ bị đánh thuế theo quy định mới.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy khoảng 380.000 thùng bitum pha loãng mỗi ngày đã được đưa vào nước này thông qua Malaysia từ tháng 1 đến tháng 3, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Venezuela.
Mặc dù các công ty không phải của Mỹ không bị các lệnh trừng phạt ngăn cản rõ ràng việc mua dầu từ Venezuela, nhưng điều này rất không được khuyến khích. Tuy nhiên, do nhu cầu dầu ngày càng tăng của Trung Quốc, nên nhiều tuyến đường tiếp cận thay thế này phần lớn đã bị Mỹ bỏ qua.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết cơ sở của việc áp dụng mức thuế mới, "Một số ít công ty đã nhập khẩu số lượng kỷ lục các loại nhiên liệu này và biến chúng thành nhiên liệu kém chất lượng, sau đó được đưa vào các kênh phân phối bất hợp pháp, đe dọa tính công bằng của thị trường và cũng gây ô nhiễm môi trường”.
Thuế mới dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các nhà máy lọc dầu nội địa của Trung Quốc để tăng nguồn cung cũng như thúc đẩy giá khi nhu cầu nhiên liệu của nước này tiếp tục tăng. Điều này xảy ra khi các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đạt mức sản lượng cao hơn trong tháng 4, báo hiệu sự phục hồi bền vững trong công suất lọc dầu thô.
Trong khi Venezuela đang phải đối mặt với những thay đổi lớn về triển vọng xuất khẩu do thuế Trung Quốc, thì có vẻ như Mỹ sẽ tiếp tục miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty quốc tế có trụ sở tại Venezuela, cho phép một số công ty tiếp tục ở lại nước này trong hạn định.
Sự miễn trừ được cho phép trước đây dự kiến sẽ tiếp tục đối với Chevron và các công ty dịch vụ Schlumberger, Halliburton, Baker Hughes và Weatherford. Điều này sẽ cho phép những công ty này bảo toàn được tài sản của mình miễn là họ không thực hiện các hoạt động bảo trì hoặc trả lương cho nhân viên địa phương.
Việc miễn trừ này dự kiến sẽ được gia hạn ít nhất sáu tháng vào tháng Sáu, sau đó, Chevron có thể khai thác dầu của Venezuela, như đã nêu trong điều khoản miễn trừ trước đây. Tuy nhiên, vì hiện tại Venezuela dường như không phải là trọng tâm chính sách đối ngoại quan trọng đối với Tổng thống Biden, nên điều này có thể nhưng khó xảy ra.
Có vẻ như Venezuela đang bị mắc kẹt trong bế tắc, không thể xúc tiến với các đồng minh của Mỹ do các lệnh trừng phạt nặng nề đối với lĩnh vực dầu mỏ và cũng không thể xuất khẩu sang nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc do bị đánh thuế cao. Mặc dù có khả năng nới lỏng trong năm tới, khi Biden tạo ra một chiến lược chính sách đối ngoại rõ ràng hơn, nhưng tương lai vẫn chưa rõ đối với tiềm năng được mở trói của gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ Latinh.
Nguồn tin: xangdau.net