Theo Oilprice, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu trong những tháng gần đây bằng cách nhập khẩu sản lượng dầu thô cao kỉ lục kể từ tháng 5.
Dữ liệu hải quan từ quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới tiếp tục cho thấy lượng dầu thô cập cảng khá lớn khi các cảng và hải quan liên tục xử lí các tàu chở dầu đã chờ hàng tuần để được dỡ hàng.
Tuy nhiên, với sự phục hồi nhu cầu ở các quốc gia châu Á khác vẫn chưa ổn định và biên lợi nhuận các nhà máy lọc dầu trong khu vực vẫn giảm, nhu cầu dầu vẫn là mối quan tâm chính của thị trường dầu mỏ và các nhà phân tích.
Liệu Trung Quốc có thể hỗ trợ thị trường dầu mỏ “mong manh” này trong bao lâu, khi khối lượng dầu tồn đọng cuối cùng cũng được xử lí và nhu cầu dầu ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển vẫn thấp, có nguy cơ ngày càng giảm mạnh khi làn sóng COVID-19 thứ hai đang quét qua?
Trong 5 tháng qua, sản lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc luôn ở mức 11 triệu thùng/ngày trở lên. Sản lượng dầu nhập khẩu trong tháng 6 là 12,9 triệu thùng/ngày, nhiều hơn mức kỉ lục trong tháng 5 khoảng 1,5 triệu thùng/ngày.
Số lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong mùa xuân và mùa hè cao kỉ lục là do các nhà máy lọc dầu của nước này đã mua vào trong tháng 3 và tháng 4 khi giá dầu giảm và xuống mức thấp nhất trong hơn 15 năm vào cuối tháng 4.
Các nhà máy lọc dầu nhà nước và tư nhân đổ xô tích trữ dầu giá rẻ vào mùa xuân, sau đó đưa vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào đầu tháng 5.
Việc Trung Quốc phục hồi sau đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ sự phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu vào đầu mùa hè.
Sản lượng dầu giá rẻ được mua vào mùa xuân tiếp tục mang lại hi vọng cho thị trường dầu vào cuối mùa hè khi nhu cầu phục hồi ở những nơi khác bắt đầu chững lại với làn sóng COVID-19 thứ hai.
Các cảng của Trung Quốc bị tắc nghẽn đến nỗi các tàu chở dầu phải đợi hàng tuần để có thể dỡ được dầu, sau đó sẽ được thông quan và được lưu lại trong số liệu nhập khẩu của hải quan.
Tuy nhiên, tắc nghẽn tại cảng đã bắt đầu giảm bớt trong những tuần gần đây, cho thấy hàng nhập khẩu của Trung Quốc đang trên đà trở lại mức bình thường trong những tháng tới.
Juan Carlos Rodriguez và Valantis Markogiannakis, chuyên gia phân tích dầu của OilX cho hay trong một báo cáo hồi đầu tháng: “Sau khi tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp, các tàu chở hàng ở Trung Quốc giảm lần đầu tiên, cho thấy tắc nghẽn cảng đã bắt đầu giảm bớt”.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc tiếp tục tăng so với những năm trước, nhưng đang giảm xuống từ mức cao kỉ lục được thấy trong mùa hè này.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra khi khối lượng dầu tồn đọng được xử lí?
Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục hỗ trợ nhu cầu dầu phục hồi trong bối cảnh các nền kinh tế lớn ở Châu Âu áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội thậm chí có phần nghiêm ngặt hơn trước?
Liệu các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có động lực để chế biến thêm dầu thô khi nhu cầu nhiên liệu ở các quốc gia còn lại của châu Á vẫn còn yếu?
Theo Clyde Russell, phóng viên của Reuters, nhập khẩu dầu tháng 10 của Trung Quốc có thể sẽ tiếp nhận lượng hàng tồn đọng cuối cùng, với khoảng 635,8 nghìn thùng/ngày ước tính đã bị trì hoãn từ tháng 9 đến tháng 10.
Một số nhà máy lọc dầu độc lập được cho là đã sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu do chính phủ phân bổ cho năm 2020 và có thể sẽ ngừng hoạt động trên thị trường trong thời gian còn lại của năm.
Một công ty lọc dầu tư nhân lớn được cho là đang dự trữ hàng triệu thùng dầu thô từ Trung Đông để chuẩn bị cho việc chạy thử tại một nhà máy lọc dầu mới, giúp tiêu thụ một phần dầu thô từ Trung Đông trong bối cảnh khác thị trường suy thoái với nhu cầu phục hồi bị đình trệ.
Thị trường có thể chắc chắn rằng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong những tháng tới khó có thể đánh bại các kỉ lục từ đầu năm cho tới nay.
Tuy nhiên, việc không rõ ràng về khối lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong quý IV càng làm gia tăng sự không chắc chắn khác cho thị trường dầu mỏ cho đến cuối năm 2020, bên cạnh viễn cảnh ngày càng không chắc chắn về sự phục hồi nhu cầu và tăng trưởng nguồn cung từ Libya.
Nguồn tin: Vietnambiz