Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã phát hiện mỏ dầu khí với trữ lượng ước tính khoảng 900 triệu tấn, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Phát hiện này được thực hiện sau sáu năm thăm dò ở lòng chảo Tarim ở khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Báo cáo cho biết địa chất nơi này đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải khoan cực sâu, ở mức kỷ lục 8.470 mét.
"Chúng tôi đã nắm được các quy luật địa chất của các hồ chứa dầu khí", Tổng giám đốc Công ty mỏ dầu Tarim, Yang Xuewen cho biết. "Tại mỏ dầu Fuman, chúng tôi đã khoan liên tiếp 56 giếng 100 tấn và phát hiện khu vực dự trữ dầu mới gần 1 tỷ tấn (khoảng 907 triệu tấn). Đây là phát hiện lớn nhất về thăm dò dầu ở lòng chảo Tarim trong thập kỷ gần đây".
Lưu vực Tarim là mỏ dầu khí lớn nhất ở Trung Quốc, với trữ lượng dầu khí được phát hiện lên tới 16 tỷ tấn. Sản lượng hydrocacbon từ lưu vực này đạt 2 triệu tấn trong năm nay, tăng so với 1,52 triệu tấn của năm ngoái.
Trung Quốc có trữ lượng dầu khí dồi dào nhưng việc khai thác chúng thường gặp nhiều thách thức do các lý do địa chất, điều này cho đến nay đã khiến nước này không thể giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào dầu khí nhập khẩu. Nước này phụ thuộc vào nhập khẩu cho khoảng 70% nhu cầu dầu và đang trên đà vượt Nhật Bản để trở thành nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới trong năm nay.
Theo một báo cáo của Reuters từ tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất ước tính 3,87 triệu thùng/ngày dầu thô vào năm ngoái. Sản lượng đã tăng 1,6% trong năm 2019 bất chấp đại dịch và mặc cho động thái mua dầu thô của Trung Quốc được thúc đẩy bởi giá dầu thấp lịch sử. Điều này khiến quốc gia này trở thành một trong mười nhà sản xuất dầu hàng đầu trên toàn cầu, nhưng với nhu cầu cao hơn mức đó rất nhiều, Trung Quốc đành phải phụ thuộc vào dầu và khí đốt nhập khẩu.
Nguồn tin: xangdau.net