Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc nhắm tới thị phần trong lĩnh vực lọc dầu châu Phi


Vào ngày 22 tháng 3 năm 2017, Sinopec đã đồng ý mua lại các doanh nghiệp lọc dầu của Chevron ở Nam Phi và Botswana, phi vụ đầu tư lớn đầu tiên của Trung Quốc vào ngành công nghiệp dầu mỏ ở châu Phi. Mặc dù Trung Quốc đã có độ phủ sống rộng ở châu Phi, nhưng phần lớn các hoạt động này chỉ tập trung vào khu vực thượng nguồn - trong thăm dò dầu khí.


Trung Quốc đã liên tục mở rộng các hoạt động thượng nguồn của mình ra ngoài biên giới đất nước kể từ cuối những năm 1990, thông qua ba công ty dầu mỏ do nhà nước kiểm soát chính là CNPC, Sinopec và CNOOC nhằm đáp ứng nhu cầu dầu mỏ đang gia tăng trong nước.


Trong vài thập kỷ qua, nhu cầu dầu của Trung Quốc đã tăng mạnh, do sự tăng trưởng kinh tế liên tục, sự mở rộng tầng lớp trung lưu và nhu cầu ngày càng tăng về hàng tiêu dùng. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới, nhưng do sản lượng trong nước liên tục giảm- do chi phí sản xuất cao, sự cạn kiệt của các mỏ dầu già và giá dầu quốc tế rẻ hơn - nước này cũng đã trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.


Năm 2016, mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ bên ngoài lên tới 64,4% tổng nhu cầu - tăng 3,8% so với năm 2015 – con số này được dự báo sẽ cao hơn trong năm 2017.


Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng này, nhu cầu trong nước đã bắt đầu chậm lại đáng kể. Vào năm 2016, nhu cầu về dầu ở Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2013, chỉ tăng 2,5 phần trăm - từ 3,1 phần trăm của năm 2015 và 3,8 phần trăm vào năm 2014. Đáng chú ý là sự suy thoái đã xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 26 năm.


Do đó, mặc dù đầu tư nước ngoài của các công ty dầu mỏ Trung Quốc phần lớn vẫn rót vào lĩnh vực thăm dò, nhưng sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu trong nước đã làm cho các công ty đang chuyển sang thị trường nước ngoài nhằm đảm bảo có thêm khách hàng để sự tăng trưởng tiếp tục.


Đáng chú ý, Châu Phi dường như là một trong những điểm đến hàng đầu của Trung Quốc để đầu tư.


Thương vụ của Sinopec


Phần lớn dầu nhập khẩu ở Trung Quốc là từ Trung Đông và Châu Phi; và vào tháng 4 năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 1,48 triệu thùng dầu mỗi ngày từ riêng Tây Phi.


Hơn nữa, nhu cầu năng lượng ở châu Phi được dự báo sẽ tăng hơn 75% trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2035, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 31%; Trong khi nhu cầu về dầu qua tinh chế của Nam Phi tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 5% mỗi năm, tạo ra sự hấp dẫn hiển nhiên như là một thị trường năng lượng đang phát triển mạnh mẽ.


Theo thỏa thuận Sinopec-Chevron, Sinopec đã mua lại 100% Chevron Botswana và 75% Chevron Nam Phi (25% cổ phần còn lại do các cổ đông trong nước nắm giữ, theo các quy định của Nam Phi) với giá 900 triệu USD. Những cổ phần này bao gồm một nhà máy lọc dầu ở Cape Town, kho chứa dầu, một nhà máy sản xuất chất bôi trơn ở Durban và mạng lưới phân phối trạm dịch vụ của Caltex trên khắp Nam Phi và Botswana.


Nhà máy lọc dầu Cape Town có công suất 5 triệu tấn/năm, trong khi Caltex sở hữu và vận hành hơn 820 trạm xăng, 220 cửa hàng tiện lợi, kho chứa dầu cùng với các cơ sở phân phối dầu khác trên khắp cả hai nước.


Sinopec là nhà thầu duy nhất sau khi công ty dầu Total của Pháp, và 2 nhà kinh doanh hàng hóa Glencore và Gunvor rút khỏi cuộc đấu giá do mong muốn của chính phủ Nam Phi để nhà máy lọc dầu Cape Town tiếp tục hoạt động. Hãng nghiên cứu BMI ước tính chi phí nâng cấp nhà máy lọc dầu vào khoảng 1 tỷ USD, nhưng cho biết rằng kinh nghiệm trước đây của Sinopec trong việc nâng cấp các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc có thể giúp cho giá bỏ thầu của họ.


Sinopec có thể sử dụng việc mua những tài sản này để mở rộng vào thị trường lọc dầu châu Phi. Caltex là một trong bốn thương hiệu dầu mỏ hàng đầu của Nam Phi, và thương vụ này cho thấy Sinopec có quyền tiếp cận vào Caltex.


Hơn nữa, Nam Phi là nền kinh tế lớn thứ hai của châu Phi, và so với hầu hết các nước ở Châu Phi, có cơ cấu thể chế tương đối mạnh, dịch vụ tài chính phức tạp và có sẵn cơ sở hạ tầng tốt hơn.


Ngoài ra, Nam Phi và Trung Quốc có một mối quan hệ đã được thiết lập. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi từ năm 2010, khi hai nước tuyên bố "hợp tác chiến lược toàn diện" nhằm tăng cường sự hợp tác và trao đổi giữa hai nước về mặt chính trị, kinh tế và hỗ trợ kinh doanh. Gần đây hơn, vào tháng 12 năm 2015, hai nước đã ký kết 25 hiệp định trị giá 16,5 tỷ USD tại Diễn đàn hợp tác Trung-Phi (FOCAC).


Thêm vào đó, thương vụ này đã tạo cho Sinopec - nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á và là nhà máy lọc dầu lớn thứ hai thế giới –trở thành nhà máy lọc dầu lớn đầu tiên ở Châu Phi và đưa nó vào danh sách các công ty dầu mỏ quốc tế khác như ExxonMobil, Royal Dutch Shell, Lukoil và Kuwait Petroleum, có hoạt động tại các cơ sở lọc dầu bên ngoài nước ban đầu.


Sinopec đã xác nhận rằng họ đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư nước ngoài lên hơn 30 tỷ đô la - gần gấp đôi con số 16 tỷ đô la chi tiêu của công ty tại 30 quốc gia khác nhau từ năm 2010 đến năm 2015. Mặc dù thời gian và địa điểm cụ thể chưa được xác nhận, nhưng một số vụ đầu tư này có thể sẽ ở Châu Phi.


Mặc dù nắm giữ khoảng 7.6% trữ lượng có thể khai thác của thế giới, nhưng do thiếu cơ sở hạ tầng và đầu tư thích hợp đã buộc nhiều nước châu Phi phải phu thuộc vào dầu nhập khẩu. Do đó, ngành lọc dầu châu Phi dường như là một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho Trung Quốc.


Sự ủy quyền chính trị, hay chỉ là kinh doanh?


Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi; thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 149,1 tỷ USD vào năm 2016, với sự đầu tư của các công ty Trung Quốc đạt 3,2 tỷ USD.


Từ trước tới nay, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi tập trung vào các lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, nhưng trong những năm gần đây đã mở rộng sang xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, giao thông vận tải và truyền thông.


Khi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng lên, thì mối quan hệ giữa hai bên ngày càng được kiểm soát chặt chẽ. Với truyền thông phương Tây thường cho rằng cách tiếp cận kinh tế của Trung Quốc đối với các nước châu Phi mang lại lợi ích quá mức cho Trung Quốc.


Thoạt nhìn, mối quan hệ này dường như đem lại lợi ích cho cả hai bên. Châu Phi không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mà còn là thị trường tiêu thụ chủ yếu cho hàng tiêu dùng của Trung Quốc, được sản xuất bởi ngành sản xuất đang phát triển của Trung Quốc. Đổi lại, đầu tư của Trung Quốc đã tạo ra cơ hội việc làm, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, và cung cấp kiến thức chuyên môn và kỹ thuật.


Tuy nhiên, với đa số các công ty đa quốc gia của Trung Quốc là các doanh nghiệp nhà nước (SOEs), làm dấy lên nhiều mối lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc chỉ đơn thuần sử dụng chúng như là một phương tiện để có được các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết ở mức giá thấp và mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc.


Việc đầu tư vào châu Phi đã cho phép Trung Quốc tăng cường quan hệ ngoại giao với một số chính phủ châu Phi – tiếp sau đó là tăng cường sức mạnh ảnh hưởng lên vũ đài thế giới và tại các diễn đàn toàn cầu như Liên Hợp Quốc.


Sự quan tâm ngày càng lớn tại châu Phi có thể là một phần của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, nhằm tăng cường khả năng kết nối và lưu thông thương mại giữa Trung Quốc, Trung Á, Châu Âu và Châu Phi bằng cách xây dựng đường xá, đường sắt, bến cảng, đường ống và các dự án cơ sở hạ tầng khác.


Ngược lại, có thể lập luận rằng các lý thuyết cho rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi đều là một phần trong một chương trình chính trị lớn đang thực sự che giấu động cơ rõ ràng hơn: rằng các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản là theo hướng kinh doanh và thực sự đang tìm kiếm các thị trường tăng trưởng mới.


Giống như bất kỳ khoản đầu tư lớn nào, việc đầu tư của Trung Quốc vào các nước Châu Phi mang lại cả mặt lợi và hại cho cả hai bên. Nhưng khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi tiếp tục phát triển, thì sự mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng nhiều, điều này sẽ chi phối đến đến nền kinh tế và chính trị của một số nước châu Phi về lâu về dài.


Hoặc ngược lại, mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc tới lục địa này có thể khiến các nước và doanh nghiệp khác đánh giá lại giá trị mối quan hệ của họ ở Châu Phi.


Nguồn tin: xangdau.net/ Theo Oilprice

ĐỌC THÊM