Một thỏa thuận về khí hóa lỏng được kỳ vọng giúp giảm bớt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong khi sản phẩm này đang là một vũ khí của Trung Quốc.
Tại Hội thảo kỹ thuật ngành dầu khí 2018 do Hiệp hội dầu mỏ Mỹ-Trung Quốc (CAPA) tổ chức, giới chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng một thỏa thuận về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể giúp giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, giữa bối cảnh tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt.”
Theo đó, ông Langtry Meyer, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của công ty Texas LNG, nhận định rằng khí hóa lỏng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp cho những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông giải thích rằng Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ cũng lại là một trong những nhà sản xuất khí đốt lớn nhất toàn cầu.
Ông Meyer cho rằng nhu cầu về khí đốt của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, và Mỹ có đủ khí đốt tự nhiên để kéo dài khai thác trong hơn 90 năm nữa.
Chính vì vậy, ông Meyer kêu gọi hai nước hợp tác hơn nữa trong việc buôn bán khí đốt tự nhiên, vốn cũng phục vụ cho lợi ích của cả hai nền kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng đây cũng là cơ hội để Mỹ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Kỳ vọng của giới chuyên gia là vậy còn thực tế, khí hóa lỏng vẫn đang được coi là một vũ khí của Trung Quốc nhằm đối phó với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại dù bản thân Bắc Kinh vẫn đang phụ thuộc vào khí hóa lỏng nhập khẩu trong bối cảnh chính quyền nước này đưa ra mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường.
Asia Nikkei cho biết, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu khí hóa lỏng lớn thứ hai trong năm ngoái, sau Nhật Bản và theo số liệu của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie thì nước này cũng là quốc gia mua khí hóa lỏng số một của Mỹ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6.
Tháng 9/2018, chính quyền Trung Quốc đã áp thuế suất 10% đối với mặt hàng khí hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả động thái thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trung Quốc đang phụ thuộc vào nguồn khí hóa lỏng nhập khẩu
Theo giới phân tích, sau động thái này của Trung Quốc, những nhà cung cấp Úc, Qatar hay Đông Nam Á có thể tận dụng tình hình bằng cách đưa ra mức giá chỉ dưới mức giá LNG Mỹ (đã tính cả thuế). Điều này có nghĩa bên mua Trung Quốc bị chịu thêm khoản phụ thu.
Hứng chịu chi phí này sẽ là những doanh nghiệp chi phối thị trường mua khí hóa lỏng như Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), công ty cổ phần TNHH dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec).
Dù vậy, Trung Quốc vẫn đang có nhiều lựa chọn, như việc có mối quan hệ sâu sắc hơn với hai quốc gia cũng mâu thuẫn với Nhà Trắng - Nga và Iran.
Vào tháng 9/2018, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lần đầu tiên tham dự sự kiện này, là vị khách quan trọng nhất. Các cuộc đàm phán của họ được biết là bao trùm việc mở rộng hợp tác về năng lượng, bao gồm khí tự nhiên.
Cũng tại diễn đàn, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNPC và nhà sản xuất khí đốt của Nga Novatek đã thảo luận về các dự án khí hóa lỏng ở Bắc Băng Dương.
Một dự án quan trọng là đường ống Siberia vận chuyển khí từ một mỏ ở miền đông Siberia đến Trung Quốc. Việc xây dựng đã bị trì hoãn so với kế hoạch ban đầu, khi Trung Quốc đang tính toán mua khí hóa lỏng từ Mỹ, nhưng đà khôi phục tiến trình cho dự án này dường như lại tăng lên.
"Chúng ta phải hoàn tất các cuộc đàm phán về nguồn cung cấp bổ sung trước cuối năm nay và, trước ngày 20/12 năm sau, khởi động việc vận chuyển qua đường ống dẫn khí Siberia", Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak cho biết hôm 17/9.
Về phần Iran, một mục tiêu của biện pháp trừng phạt kinh tế Mỹ - CNPC đã thay chân gã khổng lồ dầu Total của Pháp trong việc tham gia phát triển mỏ South Pars ở vùng Vịnh Ba Tư, hãng tin IRNA của Iran cho biết hồi tháng 8/2018.
Đây là một trong các mỏ khí đốt lớn nhất thế giới và vị trí đứng thứ 1 trên toàn cầu về trữ lượng khí thiên nhiên của Iran cũng đã được chứng minh. Điều này không có nghĩa là khí thiên nhiên có thể được xuất khẩu ngay lập tức, nhưng động thái này sẽ giúp Trung Quốc chuẩn bị trước cho việc nhu cầu gia tăng trong tương lai.
Bắc Kinh cũng được cho là đang suy tính về việc tham gia một dự án đường ống dẫn đến Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ, được gọi là TAPI.
Vào tháng 8/2018, truyền thông Pakistan trích dẫn Mobin Saulat – một quan chức cấp cao trong ngành năng lượng Pakistan, nói rằng Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm tới TAPI như một dự án bổ trợ cho sáng kiến Một vành đai, Một con đường.
Đối với các nhà sản xuất khí đốt khác, thị trường khí thiên nhiên Trung Quốc quá lớn và họ khó có thể bỏ qua. Nhà sản xuất khí hóa lỏng thuộc sở hữu nhà nước của Qatar, Qatargas, đã công bố vào ngày 10/9 rằng họ đã ký hợp đồng cung cấp cho PetroChina 3,4 triệu tấn khí hóa lỏng hàng năm trong vòng 22 năm.
Vào cuối tháng 9/2018, công ty dầu khí quốc gia Qatar Petroleum cũng công bố kế hoạch nâng công suất sản xuất khí hóa lỏng lên 110 triệu tấn/năm, từ 77 triệu tấn hiện nay.
Úc và Canada cũng đang chú ý đến các cơ hội tại thị trường Trung Quốc.
Như vậy, liệu khí hóa lỏng có thể hàn gắn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không còn tùy vào tính toán, sự cân nhắc lợi ích giữa các bên.
Nguồn tin: baodatviet.vn