Ngày 23/4, Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn của Iran, đã phản đối quyết định của Mỹ trừng phạt các nước nếu họ tiếp tục mua dầu thô ở Tehran.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn của Iran
Ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo hôm 23/4: “Quyết định của Hoa Kỳ sẽ gây thêm biến động ở Trung Đông và thị trường năng lượng quốc tế”.
Phản đối của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi Washington thông báo rằng tất cả các lệnh miễn trừ trừng phạt mua dầu của Iran sẽ kết thúc vào ngày 2/5.
Vào tháng 11 năm ngoái, khi Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt với ngành dầu mỏ của Iran đã cho phép 8 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, được tiếp tục mua dầu của Tehran trong thời hạn 6 tháng.
Quyết định ngày 22/4 của Washington đã khiến giá dầu thô tăng cao và gây áp lực buộc các nhà nhập khẩu ngưng mua dầu của Iran.
Ngoài việc phải mua dầu với giá cao hơn, Bắc Kinh đứng trước nguy cơ bị Washington trừng phạt nếu tiếp tục mua dầu của Iran sau ngày 2/5/2019.
Ngoài ra, một số nhà máy lọc dầu chính của Trung Quốc được thiết kế để chuyên xử lý dầu thô của Iran nên việc dùng dầu nhập từ nước khác sẽ khiến Trung Quốc phải tốn kém tiền điều chỉ công nghệ.
Ngoài ra, Tập đoàn nhà nước Sinopec và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đều có các hoạt động khai thác dầu ở Iran. Các đại công ty của Trung Quốc này đã đầu tư hàng tỷ đôla vào các mỏ dầu như Yadavaran và Bắc Azadegan. Các công ty này cũng vận chuyển dầu từ các mỏ đến Trung Quốc.
Theo số liệu hải quan, Trung Quốc là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran, với tổng lượng nhập khẩu năm ngoái là 29,27 triệu tấn, tương đương khoảng 585.400 thùng mỗi ngày, khoảng 6% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, hàng loạt các quốc gia khác cũng lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ. Nga hôm 23/4 đã tố cáo chính sách của Mỹ đối với Iran là "hung hăng và liều lĩnh". "Một hành động như vậy sẽ không tạo thêm bất kỳ uy tín quốc tế nào cho người Mỹ và phần còn lại của thế giới hiểu rằng chính sách của Washington đang ngày càng trở nên hung hăng và liều lĩnh".
Cùng ngày Pháp cho biết vẫn "quyết tâm tiếp tục thực hiện" thỏa thuận hạt nhân Iran và cho phép Iran đảm bảo "lợi ích kinh tế" sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới đối với các nước nhập khẩu dầu thô Iran.
"Với các đối tác châu Âu, Pháp dự định sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo Iran có được lợi ích kinh tế (liên quan đến thỏa thuận hạt nhân) miễn là nước này tuân thủ tất cả các nghĩa vụ hạt nhân của mình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp nói.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Hàn Quốc, các đồng minh khác của Washington, cũng đã phản đối quyết định của Mỹ.
Nguồn tin:petrotimes.vn