Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trung Quốc có thể tạm dừng nhập khẩu khí đốt của Australia

Australia đang đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc có thể tạm dừng nhập khẩu khí đốt bất khả kháng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới làm giảm nhu cầu nhiên liệu.


Ảnh minh họa

Các nhà xuất khẩu khí đốt của Australia đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh Trung Quốc, nước nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất, có khả năng sẽ tạm dừng giao dịch bất khả kháng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong một tháng qua đã giảm khoảng 20%. Nhiều nhà phân tích lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế khối lượng nhập khẩu LNG, cho thấy hoạt động công nghiệp tại nước này bắt đầu yếu đi.

Phó chủ tịch Tập đoàn Wood Mackenzie phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Gavin Thompson, nhận định nhu cầu LNG đã giảm đáng kể từ đầu tháng 1/2020, đặc biệt là từ các thương lái Trung Quốc.

Theo công ty tư vấn Năng lượng EnergyQuest, động thái này mang lại những rủi ro lớn cho ngành xuất khẩu LNG thế giới nói chung và Australia nói riêng, nơi cung cấp 46% nhu cầu LNG của Trung Quốc trong năm 2019.

Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ chịu những rủi ro khác khi ba công ty dầu khí lớn của Trung Quốc cũng đang nắm giữ cổ phần đáng kể của một số cơ sở sản xuất trong nước, bao gồm Sinopec là đối tác của APLNG, CNOOC là đối tác của QCLNG và PetroChina thuộc liên doanh Arrow Energy do Shell điều hành.

Dự kiến, giá LNG giao ngay trên thị trường thế giới giảm mạnh sẽ làm đau đầu các khách hàng Trung Quốc, vốn đang bị ràng buộc trong các hợp đồng ký kết với các nhà xuất khẩu Australia.

Nhà phân tích Saul Kavonic của Credit Suisse cho biết, nhà mua LNG Trung Quốc đang chịu áp lực do nhu cầu suy yếu và giá LNG hiện tại thấp hơn so với giá đã ký trước đó.

Ông Kavonic nói một điểm khó khăn khác nữa đó là có khả năng việc vận chuyển và giao hàng LNG sẽ trở nên khó khăn do các cảng biển tại Trung Quốc sẽ bị đóng cửa giao dịch.

Ngược lại, việc cách ly 14 ngày đối với các tàu Australia trở về từ Trung Quốc, sau ngày 1/2, có thể gây ra sự chậm trễ và tắc nghẽn tại các cảng của Australia, đặc biệt là tại bang Queensland, thủ phủ của các nhà máy sản xuất khí LNG.

Nhu cầu LNG của Trung Quốc bùng nổ trong vài năm qua. Tính riêng trong năm tài chính 2017-2018, nhu cầu của nước này đã tăng 51% và trong năm 2018-2019 tăng 27%. Mặc dù vậy, nhu cầu LNG của Trung Quốc trong năm ngoái đã giảm khoảng 9%, báo hiệu giai đoạn bão hòa của thị trường.

Năm 2019, Australia đã chính thức trở thành nhà xuất khẩu LNG số một thế giới, với tổng sản lượng 77,5 triệu tấn, thu về khoảng 49 tỷ AUD (33,32 tỷ USD)./. 

Nguồn tin: bnews.vn

ĐỌC THÊM