Sau một đợt phục hồi kéo dài bảy tháng không ngừng nghỉ, đà tăng giá dầu dường như có nguy cơ sụp đổ sau khi rớt mạnh từ mức cao gần đây. Giá dầu đã chật vật để đảo ngược mức giảm của tuần trước khi thị trường lo lắng về sự sụt giảm nhu cầu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed nâng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Dầu Brent giao sau giảm 38 cent, tức 0,3%, ở mức 112,74 USD/thùng vào thứ Hai, và rớt 7,3% vào tuần trước, tuần đầu tiên giảm trong 5 tuần. Trong khi đó, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ ở mức 109,38 USD/thùng, giảm 18 cent, tương đương 0,2%, cũng giảm 9,2% trong tuần trước, mức giảm đầu tiên trong tám tuần.
Theo nhà phân tích Carsten Fritsch của Ngân hàng Commerzbank, đợt giảm giá mạnh hôm thứ Sáu có thể được coi là một phản ứng chậm trễ trước những lo ngại về suy thoái kinh tế, điều đã đè nặng lên giá các mặt hàng khác trong một thời gian. Các nhà phân tích và chuyên gia thị trường tin rằng một cuộc suy thoái có nhiều khả năng xảy ra sau khi Fed thông qua đợt tăng lãi suất lớn nhất trong hơn một phần tư thế kỷ qua để ngăn chặn sự lạm phát leo thang.
Nhưng thị trường dầu có thể sớm phải đối mặt với một mối lo lớn khác: nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Bất chấp các siêu đô thị như Thượng Hải và Bắc Kinh đang tìm cách mở cửa trở lại hoàn toàn và các biện pháp kích thích tài khóa bắt đầu có hiệu lực, nhưng Trung Quốc vẫn đang đối mặt với rất nhiều bất ổn về nền kinh tế của mình. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới: năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 11,8 triệu thùng/ngày, vượt qua cả Mỹ, quốc gia nhập khẩu 9,1 triệu thùng/ngày.
Hồi tháng 5, đà tăng giá dầu đã dừng lại sau khi Bắc Kinh áp dụng chiến lược "zero-Covid" và công bố các biện pháp ngăn chặn Covid-19 nghiêm ngặt, bao gồm các đợt phong tỏa lớn. Trong khi việc phong tỏa và giới nghiêm nghiêm ngặt đã làm chậm lại đợt bùng phát Covid-19 mới nhất của nước này, nhưng chúng lại có tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng và sản lượng sản xuất trong nước. Theo số liệu so với cùng kỳ năm trước cho tháng 4, doanh thu bán lẻ giảm 11,1%, sản xuất công nghiệp giảm 2,9% và sản xuất chế tạo giảm 4,6%. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và Chỉ số tiền tệ của các thị trường mới nổi MSCI đều giảm trong tháng Tư.
Thật không may, nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc không thể được khắc phục bằng các biện pháp đơn giản như phong tỏa vào khoảng thời gian này.
Nền kinh tế đang chậm lại
Tổng thống Biden gần đây đã tuyên bố rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay so với nền kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1976, với những dấu hiệu ngày càng tăng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang bước vào một thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 2,8% của tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.
Việc duy trì chính sách zero-COVID đã và đang làm chậm nền kinh tế và tăng thêm chi phí lớn cho ngân sách chính phủ, khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc nên tăng nợ hay chịu đựng sự tăng trưởng kinh tế suy yếu.
Căng thẳng tài khóa đã gia tăng trước khi áp lực chi tiêu cho Covid xuất hiện, bao gồm doanh thu bán đất sụt giảm do tình trạng giảm giá nhà ở cũng như việc giảm thuế cho các doanh nghiệp làm cắt giảm thu nhập của chính phủ. Trên thực tế, dữ liệu chính thức cho thấy thâm hụt ngân sách trên diện rộng đã đạt mức kỷ lục gần 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (448 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vẫn đang hành động một cách thận trọng do lo ngại về việc đồng nhân dân tệ suy yếu hơn nữa, điều này có thể dẫn đến dịch chuyển dòng vốn lớn trong chu kỳ tăng lãi suất của Fed. Đồng nhân dân tệ và lợi suất trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh sau khi PBOC thông báo cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng vào giữa tháng 4. Kể từ đó, đồng tiền đã ổn định, nhưng lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng trở lại. Phát hành nợ ròng của chính phủ đạt hơn 700 tỷ nhân dân tệ (104 tỷ đô la) trong cả tháng 5, tổng mức hàng tháng cao nhất kể từ giữa năm 2020 và sẽ cần nhiều thanh khoản hơn từ PBOC nếu việc phát hành nợ chính quyền địa phương tiếp tục với tốc độ nhanh.
Giờ đây, Bắc Kinh sẽ buộc phải đưa ra một phần lớn hơn hạn ngạch dự kiến của năm tới hoặc thực hiện các biện pháp mạnh tay khác để tăng cường tài chính cho chính quyền địa phương. Bắc Kinh cũng có thể cho phép chính quyền thành phố vay ngoài sổ sách nhiều hơn, mặc dù điều đó sẽ khó khăn do lợi tức trái phiếu cao. Trừ khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hành động để tăng cường mạnh mẽ nguồn tài chính cho chính quyền địa phương và PBOC sẵn sàng mạo hiểm để đồng Nhân dân tệ giảm giá nhiều hơn, thì sự phục hồi yếu trong quý 3 được coi là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất.
Về dài hạn, nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục phát triển nhanh, chứ chưa nói đến việc vượt qua nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh quốc gia này đang suy giảm nhân khẩu học trong thời gian dài. Ngược lại, Hoa Kỳ có lẽ sẽ tiếp tục tăng dân số của mình. Ngày càng có vẻ như Trung Quốc sẽ giống Nhật Bản vào những năm 80, nơi người ta nghĩ rằng họ sẽ vượt qua Hoa Kỳ, nhưng vẫn tiếp tục trì trệ, dân số của Nhật bắt đầu giảm, và mọi thứ nhanh chóng đi xuống đối với quốc gia châu Á này.
May mắn thay, một số chuyên gia vẫn lạc quan về quỹ đạo giá dầu.
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM nói với Reuters: "Nguồn cung sẽ tiếp tục thắt chặt và tiếp tục hỗ trợ giá dầu cao. Định mức cho ICE Brent vẫn ở quanh mốc 120 USD/thùng".
Nguồn tin: xangdau.net