Trung Quốc đã bất ngờ thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ về việc hạn chế cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho Triều Tiên.
Bộ Thương mại Trung Quốc 23/9 đã đưa ra tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về áp đặt các lệnh cấm vận mới chống Triều Tiên vì đã gia tăng các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân trong thời gian gần đây.
Tuyên bố được Bắc Kinh tung ra cho thấy, Trung Quốc sẽ hạn chế việc cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên bắt đầu từ ngày 1/10 tới đây.
Trung Quốc bắt đầu ngừng bán nhiên liệu cho đồng minh.
Cụ thể, từ ngày 1/10, Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dầu cho Triều Tiên không quá 500.000 thùng dầu (tương đương với 60.000 tấn), còn từ 1/1/2018 là không quá 2 triệu thùng/năm.
Bắt đầu từ ngày 23/9, Trung Quốc cũng ngừng cung cấp cho Triều Tiên khí ngưng tụ và khí hóa lỏng.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ: “Từ ngày công bố tuyên bố này, việc cung cấp khí ngưng tụ và khí hóa lỏng cho Triều Tiên sẽ bị ngừng lại”.
Lệnh cấm này áp dụng với cả các sản phẩm đã được đưa đến biên giới Trung-Triều nhưng chưa được thông quan.
Phản ứng quyết liệt này từ phía Bắc Kinh được giới quan sát đánh giá là muốn chứng minh cho quốc tế và Mỹ thấy được sự kiên quyết của quốc gia đồng minh với Triều Tiên trước các hành động hung hăng của người hàng xóm.
Trước động thái gây sức ép mới nhất từ phía đồng minh Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là liệu Triều Tiên có đủ nguồn lực để tiếp tục chương trình phát triển tên lửa tốn kém và hung hăng của mình?
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc hạn chế lượng khí đốt và dầu mỏ, Triều Tiên trước mắt vẫn còn người hàng xóm cũng đang chịu cảnh cấm vận hỗ trợ.
Nga sẽ thay chân Trung Quốc lo đủ?
Nga trước đây đã thẳng thừng từ chối việc ngưng bán dầu cho Triều Tiên. Vấn đề được phía Nga đưa ra không phải bởi lượng dầu nhập khẩu từ Triều Tiên ở số lượng quá lớn và có giá trị quá cao khiến Moscow không thể từ bỏ. Mà là ở chỗ, người dân Triều Tiên vẫn cần phải sống với các nhu cầu tối thiểu. Việc ngừng hẳn cung cấp dầu cho Triều Tiên không phải là cách làm nhân đạo.
Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và từ năm 2010 đã bắt đầu xuất khẩu dầu cho thị trường châu Á. Triều Tiên là một quốc gia được hưởng lợi từ chính sách đa dạng hóa thị trường ngoài châu Âu của Nga.
David Von Hippel, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nautilus về An ninh và Bền vững dẫn các cơ sở dữ liệu vận chuyển Equasis cho thấy, Triều Tiên đã mở rộng đội tàu chở dầu bằng việc mua 3 tàu từ Hogla Far East - một công ty của Nga, bất chấp các cấm vận hay lệnh trừng phạt.
Hiện, dầu từ Nga vận chuyển đến bờ biển phía Đông của Triều Tiên có thể được hoàn thành trong 3 ngày. Gần đây, phần lớn các tàu chở dầu của Triều Tiên đã ghé thăm nhà cảng Slavayanka của Nga.
Giới quan chức Mỹ cũng từng chứng tỏ, Triều Tiên đã 'sáng tạo' bằng nhiều cách có thể, lách các lệnh trừng phạt để mua dầu từ Nga.
Trong năm nay, ít nhất có 8 tàu hàng Triều Tiên đã rời nước Nga đem theo kiện hàng chở đầy nhiên liệu hướng về đất mẹ, mặc dù trước đó các tàu này đánh lạc hướng bằng cách đăng kí điểm đến khác.
Theo Hệ thống thông tin Kiểm soát Cảng biển Nga, 8 tàu hàng bị phát hiện trên xuất phát từ cảng Vladivostok hoặc Nakhodka thuộc vùng Viễn Đông, và đăng kí nơi đến là Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau khi rời Nga, đội tàu này lại được ghi nhận dừng chân ở các cảng Kimchaek, Chongjin, Hungnam và Najin của Triều Tiên. Không có chiếc tàu nào tới Trung Quốc và phần lớn trong số đó quay trở lại nước Nga.
Một nguồn tin từ công ty cung cấp dịch vụ tàu biển tại Vladivostok tiết lộ trên tất cả các tàu đều chứa kiện hàng dầu diesel. Trọng lượng của một thùng hàng đo được từ 500 đến 2.000 tấn.
Một trong 8 chiếc tàu gây chú ý trên là Ma Du San, do công ty Vận tải Kyongun của Triều Tiên làm chủ quản. Con tàu đó đã chuyển vào một kiện hàng 545 tấn nhiên liệu tàu thủy tại bến Pervaya Rechka ở Vladivostok.
Theo vận đơn, kiện hàng mà Ma Du San vận chuyển xuất phát từ Khabarovskiy NPZ – một nhà máy lọc dầu do công ty dầu khí Độc lập Nga (IPC) quản lí, điểm đến tiếp theo của con tàu là cảng Zhanjiang (Trung Quốc) trong khi tờ vận đơn lại ghi cảng Busan (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, trên thực tế, theo dõi vị trí Ma Du San, con tàu này sau khi rời Vladivostok đã xuất hiện tại cảng Kimchaek (Triều Tiên). Khi vào vùng lân cận cảng biển, các tàu Triều Tiên này có lúc tắt hệ thống tiếp sóng, chính vì thế vệ tinh không thể theo dõi tiếp hướng đi của tàu trong những khoảng thời gian trên.
Các tuyến đường vận chuyển dầu đến Triều Tiên.
Ngày 1/6, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa công ty IPC của Nga vào danh sách trừng phạt, buộc tội cung cấp dầu cho Triều Tiên. Ngày 22/8, chính phủ Mỹ tiếp tục trừng phạt thêm hai công ty nữa, Transatlantic Partners và Velmur Management, đăng kiểm tại Singapore với tội danh “rửa tiền” thay cho những ngân hàng Triều Tiên bị cấm vận và tìm cách mua các sản phẩm dầu khí.
Hai công ty trên đã tìm cách khiếu nại.
Andrey Serbin – đại diện cho công ty Transatlantic Partners – trần tình: “Chúng tôi bán nhiên liệu cho một công ty Trung Quốc. Chúng tôi chỉ là người trung gian. Làm thế nào mà chúng tôi có thể kiểm soát được hàng hóa”.
Với khả năng tìm cách né tránh các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Triều Tiên - với sức kìm hãm từ nguồn cung nhiên liệu của Trung Quốc, sẽ vẫn khó có khả năng suy tổn và từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân chiến lược.
Nguồn tin: Baodatviet.vn