Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trừng phạt hay hợp tác: Mỹ sẽ đối phó với OPEC như thế nào?

Mối quan hệ giữa Mỹ và OPEC luôn là mối quan hệ đầy căng thẳng, với việc Mỹ thúc đẩy tổ chức này cắt giảm sản lượng khi giá dầu lao dốc và mở van nguồn cung trở lại khi giá tăng cao. Trong khi sự hợp tác giữa hai cường quốc dầu khí thường tập trung vào cân nhắc cung và cầu, thì căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng nặng nề đến bất kỳ kết quả nào. Hiện nay, khi căng thẳng giữa OPEC và Hoa Kỳ leo thang, thời điểm không thể tồi tệ hơn cho cả nền kinh tế toàn cầu và thị trường năng lượng.

Mặc dù những thách thức đối với mối quan hệ Hoa Kỳ-OPEC không có gì mới, nhưng căng thẳng đã gia tăng trong bối cảnh hậu đại dịch, càng trở nên tồi tệ hơn do tình trạng thiếu năng lượng toàn cầu đang diễn ra và giá cả tăng cao. Sự thay đổi trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong tháng này khi, tại một cuộc họp báo của OPEC, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, được hỏi liệu quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của nhóm có phải là một hành động gây hấn hay không và ông đã trả lời bằng cách cười và hỏi lại "Đâu là hành động hiếu chiến?". Tổng thư ký OPEC sau đó nói thêm, "mọi thứ đều có giá của nó cả, an ninh năng lượng cũng có giá phải trả".

Đầu tháng này, OPEC+ thông báo sẽ giảm mục tiêu sản xuất của các quốc gia thành viên xuống 2 triệu thùng/ngày. Cả Hoa Kỳ và các cường quốc châu Âu đều phẫn nộ về việc cắt giảm này, điều đó sẽ càng làm trầm trọng thêm cả cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát. Nhưng OPEC+ khẳng định rằng động thái của họ là để đối phó với những bất ổn kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng, những yếu tố mà họ lo ngại sẽ làm giảm nhu cầu dầu. Tổ chức này tuyên bố họ muốn tránh một tình huống khác giống như đại dịch, trong đó các quốc gia trên toàn thế giới buộc phải tích trữ dầu dư thừa khi nhu cầu giảm mạnh.

OPEC đã bị chỉ trích vì quyết định của mình, khi các quốc gia thành viên ưu tiên giá dầu cao, điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu và giúp Nga tài trợ cho cuộc xâm lược Ukraine. Tổng thống Biden cảnh báo rằng Ả Rập Xê Út sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả vì quyết định cắt giảm sản lượng, hy vọng rằng những lời đe dọa sẽ hiệu quả hơn lời yêu cầu của ông hồi đầu năm rằng nước này tăng cường sản xuất để đảm bảo nguồn cung và hạ giá. Sau khi giá dầu giảm từ mức cao 120 USD/thùng xuống còn khoảng 80 USD/thùng trong những tháng mùa hè, các thành viên OPEC tuyên bố ngày càng lo lắng nguồn cung sẽ vượt nhu cầu, khiến họ ủng hộ việc cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, đối với các nhà quan sát bên ngoài, thật khó để bỏ qua những tác động địa chính trị trong quyết định này.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và OPEC+ ngày càng lớn trong nhiều năm, với các quan điểm địa chính trị và quan hệ đối tác khác nhau ảnh hưởng đến các cách tiếp cận đối lập của họ với việc quản lý thị trường năng lượng toàn cầu. Trong môi trường hậu đại dịch, ảnh hưởng địa chính trị của OPEC, và đặc biệt là Ả Rập Xê-út đã tăng lên. Ả Rập Xê-út đã cố gắng tăng cường quan hệ với cả Nga và Trung Quốc trong khi duy trì mối quan hệ với Mỹ. Giờ đây, khi Mỹ tìm cách giữ giá ở mức thấp, rõ ràng là Biden có ít ảnh hưởng hơn đến các đồng minh của mình trong khu vực so với những gì ông đã hy vọng. Khi nhận ra sự thiếu ảnh hưởng này, Mỹ quyết tâm khẳng định lại chính mình.

Mỹ đã đe dọa hành động chống lại các quyết định của OPEC nhiều lần trong những năm gần đây. Đạo luật Không sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ (dự luật NOPEC) đã được trình lên Quốc hội Hoa Kỳ để đáp trả OPEC là một "nhà độc quyền bất hợp pháp". Tuy nhiên, bất chấp những lời đe dọa, vẫn chưa có hành động nào được thực hiện, vì hậu quả cả về mặt địa chính trị và thị trường dầu mỏ sẽ không thể lường trước được. Mặc dù Hoa Kỳ đưa ra dự luật kiểu NOPEC khoảng 16 lần kể từ năm 2000, dự luật này luôn không được thông qua. Vào hôm thứ Ba, dự luật NOPEC một lần nữa được chuyển lên Thượng viện, mặc dù nó có thể sẽ không được tranh luận cho đến sau giữa nhiệm kỳ.

Khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đến gần, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và OPEC lại một lần nữa tăng cao. Tác động tức thời của giá nhiên liệu cao hơn, hóa đơn năng lượng và lạm phát đối với cử tri sẽ là mối quan tâm hàng đầu của Biden, nhưng xu hướng rộng hơn cũng đáng lo ngại. Hoa Kỳ sẽ mong muốn gia tăng ảnh hưởng của mình đối với OPEC, dù là thông qua trừng phạt hay hợp tác. Trong quá khứ, những thời điểm căng thẳng này cuối cùng đã hạ nhiệt và sự hợp tác đã bắt đầu trở lại, nhưng chúng ta đang sống trong thời kỳ không chắc chắn và cuộc chiến của Nga ở Ukraine cùng với tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu có thể thúc đẩy Mỹ có hành động táo bạo hơn.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM