Tổng lượng xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập để tái xuất của nước ta trong cả năm 2017 khoảng 12,86 triệu tấn, trị giá khoảng 7,04 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 38,3% về kim ngạch so với cùng kỳ 2016, tính trung bình có hơn 1 triệu tấn xăng dầu nhập về Việt Nam mỗi tháng.
Với 12,86 triệu tấn trị giá trên 7,04 tỷ USD, năm 2017 xăng dầu tiếp tục là mặt hàng có tốc độ tăng nhập khẩu ở mức khoảng 10%
Theo báo cáo về tình hình nhập khẩu xăng dầu của nước ta trong năm 2017, với 12,86 triệu tấn xăng dầu, trị giá trên 7,04 tỷ USD được nhập về Việt Nam, đã đưa mặt hàng này tiếp tục có tốc độ tăng nhập khẩu xấp xỉ 10%.
Bộ Công Thương cho biết, lượng nhập khẩu xăng dầu kể từ tháng 3/2017 có xu hướng ổn định, dao động trong khoảng 1 triệu tấn/tháng. Giữa năm 2017, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm nghỉ để bảo dưỡng, do vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong các tháng giữa năm cao hơn mức trung bình, trong đó, tháng 6 đạt mức cao nhất trong năm (1,37 triệu tấn).
Diesel tiếp tục là mặt hàng có lượng nhập khẩu nhiều nhất trong năm qua, đạt 7,23 triệu tấn, trị giá 3,67 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng và 31,5% về trị giá so với năm 2016.
Trong khi đó, xăng là mặt hàng có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất, đạt 3,2 triệu tấn xăng, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 29,4% về lượng và 53,9% về trị giá.
Nhập khẩu nhiên liệu hàng không đạt khoảng 1,77 triệu tấn, trị giá 938 triệu USD; tăng 14,8% về lượng và 34,7% về trị giá. Dầu ma-dút là mặt hàng duy nhất có lượng nhập khẩu giảm, đạt 596,8 ngàn tấn, giảm 32,6% so với năm 2016.
Giá nhập khẩu xăng dầu sau khi đã giảm mạnh trong năm 2016 bắt đầu phục hồi trong năm 2017. Giá nhập khẩu bình quân cả năm của nước ta ở mức 547 USD/tấn, tăng 27% so với mức giá nhập khẩu bình quân năm 2016 (433 USD/tấn).
Tại Việt Nam, năm 2017 có tất cả 24 lần điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, trong đó 10 kỳ tăng giá, 3 kỳ giữ nguyên giá xăng và 11 kỳ giảm giá.
Trong kỳ điều chỉnh cuối cùng của năm 2017 vào ngày 20/12, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có quyết định giá xăng RON 92 vẫn giữ ở mức 18.580 đồng/lít, xăng E5 là 18.243 đồng/lít.
Xăng dầu được nhập khẩu chủ yếu từ thị trường ASEAN, gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan và các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản,...
Cơ cấu thị trường nhập khẩu xăng dầu kể từ năm 2016 có sự biến động so với thời gian trước do tác động của việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo các FTA. Tương tự như năm 2016, nhập khẩu xăng dầu năm 2017 tập trung chủ yếu ở khu vực ASEAN và thị trường
Hàn Quốc, chiếm gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của cả nước.Singapore tiếp tục giữ vị trí thứ nhất trong số các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu xăng dầu, đạt 2,16 tỷ USD và có mức tăng trưởng cao 34,3%, sau khi đã sụt giảm khoảng 22,6% năm 2016. Với những thuận lợi về thuế nhập khẩu theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc tiếp tục tăng cao, đạt 1,9 tỷ USD, tăng 93% so với năm 2016, vươn lên đứng thứ hai trong số các thị trường nhập khẩu xăng dầu hàng đầu của Việt Nam.
Hai thị trường khác trong khối ASEAN là Maylaysia và Thái Lan cũng thuộc nhóm những thị trường cung cấp xăng dầu hàng đầu, với kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 1,25 tỷ USD và 940,8 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan đạt mức tăng mạnh 44,7% so với năm 2016. Nhập khẩu từ Malaysia do đã tăng rất cao trong năm 2016 nên chỉ tăng nhẹ 1,8% khi so sánh với cùng kỳ.
Diễn biến nhập khẩu xăng dầu vẫn đang tiếp đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2018. Trong 2 tháng đầu năm 2018, xăng dầu nằm trong top 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với 1,4 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2018, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 270.000 tấn xăng dầu từ Malaysia với giá trị gần 156 triệu USD, nâng tổng lượng nhập khẩu xăng dầu từ nước này trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 702.000 tấn, tương đương 415 triệu USD.
Đứng vị trí thứ hai là Singapore khi cung cấp cho Việt Nam 209.000 tấn xăng dầu, tương đương 124 triệu USD trong tháng 2/2018. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 389 triệu tấn xăng dầu từ Singapore, tương đương 235 triệu USD.
Nguồn tin: baodautu.vn