Mỹ sẽ không yêu cầu các công ty dầu trong nước hợp tác cắt giảm sản lượng để chống lại cuộc khủng hoảng lịch sử về giá toàn cầu và vẫn đợi chi tiết kế hoạch cắt giảm của Saudi Arabia và Nga.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump cho biết trên một câu tweet ông hy vọng Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày trong một thỏa thuận mới, một bình luận khiến giá dầu tăng vọt, sau nhiều tuần giảm mạnh đã đe dọa các nhà khoan dầu Mỹ.
Ông Trump có thể gặp các lãnh đạo của các công ty dầu Mỹ trong ngày 3/4 để bàn luận về tình trạng của thị trường dầu mỏ. Nhưng ông Trump sẽ không yêu cầu họ đồng ý hợp tác giảm sản lượng, theo một quan chức dấu tên.
Quan chức này cho biết Mỹ không thể dàn xếp bắt buộc cắt giảm sản lượng trong nước và lưu ý rằng các công ty Mỹ đã cắt giảm sản lượng để đối phó với nhu cầu thị trường sụt giảm. Họ không phải yêu cầu cắt giảm.
Cả Moscow và Riyadh cho biết họ không thể gánh trách nhiệm cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu mà không có sự trợ giúp của các quốc gia sản xuất lớn khác, do đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới rơi vào bế tắc.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Moscow không còn kế hoạch nâng sản lượng nữa và cho biết họ sẵn sàng hợp tác với OPEC và các nhà sản xuất khác để ổn định thị trường.
Saudi Arabia, nhà lãnh đạo của OPEC, ngày 2/4/2020 đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của OPEC và các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC, nhằm đạt được một thỏa thuận công bằng để ổn định các thị trường dầu mỏ.
Quan chức cao cấp của chính quyền đã mô tả Trump như một nhà môi giới giữa Saudi Arabia và Nga, nhiều lần kêu gọi các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia giúp giải quyết cuộc chiến giá cả.
Ông Trump ám chỉ ông đã có các biện pháp khác nếu 2 nước không đạt được thỏa thuận. Ông nói với các phóng viên “tôi tin rằng có cách có thể giải quyết hoặc giải quyết khá tốt. Và tôi không muốn làm điều đó. Tôi nghĩ rằng vào lúc nào đó Nga và Saudi Arabia sẽ thực hiện thỏa thuận trong tương lai không xa”.
Thuế quan đối với dầu thô nhập khẩu đã trở thành một giải pháp để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước nhưng chúng đã không được xem xét nghiêm túc. Sẽ rất khó để áp thuế quan khi các giao dịch bị giảm.
Trump đã nhấn mạnh độc lập năng lượng, bãi bỏ các quy định và các tiêu chuẩn môi trường ít nghiêm ngặt hơn là một phần trong nỗ lực thúc đẩy ngành công ngiệp dầu mỏ trong nước, và Mỹ đã trành thành nhà sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới nhờ sự bùng nổ công nghệ khoan.
Tuy nhiên quan chức này đã dự đoán sự thay đổi trong ngành dầu mỏ của Mỹ và cho biết vẫn chưa rõ liệu chính phủ có hỗ trợ tài chính cho các công ty dầu quy mô vừa và nhỏ hay không.
Chính phủ cũng đang xem xét đình chỉ thanh toán tiền bản quyền đối với sản xuất dầu để hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước đối phó với suy thoái.
Viện Dầu khí Mỹ, đại diện cho các nhà khoan dầu và khí lớn của Mỹ và sẽ được đại diện tại cuộc họp với ông Trump, cho biết ngành công nghiệp này đã đánh giá cao sự độc lập của mình với việc cắt giảm sản lượng do chính phủ ủy quyền.
Ngoài ra, trong ngày 2/4/2020, Bộ Năng lượng Mỹ đã thông báo họ sẽ cho các nhà sản xuất dầu Mỹ thuê kho chứa khẩn cấp quốc gia để lưu trữ dầu, hỗ trợ các nhà sản xuất trong tình trạng thiếu dung lượng lưu trữ thương mại.
Nguồn tin: vinanet.vn