Giá dầu đã tăng hơn 2% trong tuần này sau khi Chính quyền Trump bỏ các khoản miễn trừ cho những khách hàng lớn của Iran – trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai chiếm gần 50% xuất khẩu của Cộng hòa Hồi giáo. Quyết định của ông Trump chắc chắn sẽ có những hậu quả không lường trước được đối với thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có hai câu hỏi quan trọng cần được giải quyết: Một là, bây giờ Hoa Kỳ là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, liệu Trump sẽ lờ đi giá dầu cao hơn và tập trung vào việc buộc Saudi tăng sản lượng? Và, hai, nếu Hoa Kỳ tiếp tục gây sức ép với Ả Rập Xê Út để bù đắp cho việc xuất khẩu dầu bị mất của Iran; thì liệu Saudi có chấp nhận yêu cầu của Trump hay không?
Có ba yếu tố cần xem xét trước khi đưa ra kết luận cho câu hỏi đầu tiên của chúng ta. Yếu tố đầu tiên là chúng ta không thể đơn giản chỉ xem xét kịch bản trên theo từng quốc gia là nhà nhập khẩu ròng hoặc nhà xuất khẩu ròng. Hoa Kỳ tiếp tục nhập khẩu dầu và trong khi các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ ấp ủ giá dầu cao hơn, thì người tiêu dùng lại không muốn. Gần đây, giá xăng của Mỹ đạt 3 đô la mỗi gallon và giá có thể sẽ tăng cao trở lại trong mùa lái xe mùa hè này.
Yếu tố thứ hai là thực tế rằng Hoa Kỳ nhập khẩu 11% tổng lượng dầu tiêu thụ của cả nước. Mặc dù con số này thể hiện mức thấp nhất kể từ năm 1957, nhưng điều đó không có nghĩa là việc nhập khẩu 11% lượng dầu thô này với giá cao hơn sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này. Hơn nữa, bản chất liên kết của nền kinh tế thế giới cho thấy rằng việc tăng giá của một mặt hàng quan trọng và được sử dụng rộng rãi như vậy có thể làm tăng chi phí kinh doanh cho một số lượng lớn các công ty (dầu thô có hơn 4.000 sản phẩm phụ) và, Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại rất lớn, kết quả là nền kinh tế nước này có thể sẽ phải chật vật. Lạm phát, như đã thấy trong những năm 1970, cũng có thể tăng. Vì lãi suất trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ mới đảo ngược lần đầu tiên kể từ cuộc suy thoái năm 2008, đây thực sự là một kịch bản bất lợi.
Yếu tố thứ ba, và có lẽ là một trong những yếu tố mạnh nhất, đó là “sự hủy hoại nhu cầu” (một mức giá mà tại đó nhu cầu đối với một mặt hàng nào đó bắt đầu giảm dần). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã điều chỉnh hạ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,3%: một con số thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một cuộc chiến tranh thương mại nhưng chưa hoàn toàn xảy ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Hoa Kỳ và Trung Quốc – có vẻ như không tiến tới một giải pháp nhanh chóng. Những lo ngại về thị trường tài chính và vốn toàn cầu liên quan đến sức khỏe của Eurozone đang gia tăng, đặc biệt là với bộ phim chính trị xoay quanh các cuộc đàm phán Brexit giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu.
Một nhà quan sát công bằng có thể kết luận rằng Trump sẽ vận động hành lang chống lại giá dầu cao hơn và do đó, sẽ thúc ép Ả Rập Xê Út đóng vai trò truyền thống của họ là “nhà sản xuất chi phối” của OPEC để ổn định thị trường dầu thô toàn cầu. Tuy nhiên, điều này mở ra một chiều hướng hoàn toàn mới. Saudi đã và đang đi đầu trong việc cắt giảm sản lượng, trong một chừng mực nào đó, đã giúp cân bằng thị trường dầu mỏ. Là nhà lãnh đạo thực tế của liên minh OPEC, Saudi không thể đơn giản gạt bỏ những mong muốn của các thành viên trong nhóm chỉ để thực hiện các yêu cầu của Trump (giống như khi Trump áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với Iran năm ngoái). Hơn nữa, Ả Rập Xê Út đã thừa nhận rằng từ quan điểm ngân sách, họ cần mức giá 80 USD/thùng để hoàn thành kế hoạch cho một loạt các khoản đầu tư mới (chẳng hạn như cái gọi là Kế hoạch chuyển đổi quốc gia). Các nhà quan sát thị trường cho rằng thỏa thuận OPEC hiện tại, làm giảm sản lượng của nhóm xuống 1,2 triệu thùng/ngày, có thể xây dựng hoặc phá vỡ giá, với dự báo giá rớt xuống 40 đô la nếu việc cắt giảm không tiếp tục.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cam đoan, khi tuyên bố hủy bỏ các khoản miễn trừ, rằng “các nhà cung cấp khác” sẽ tăng sản lượng để bù đắp cho dầu thô Iran rút khỏi giao dịch. Điều này rõ ràng báo hiệu rằng Chính quyền Hoa Kỳ hy vọng OPEC (hay chính xác là Saudi) sẽ tăng sản lượng. Do đó, chúng ta có thể thấy một cuộc xung đột lợi ích giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út khi Vương quốc này mong muốn giá dầu cao hơn trong khi Mỹ hoàn toàn ngược lại.
Khi chúng ta đến gần cuộc họp kỹ thuật ngày 19 tháng 6 của OPEC, sẽ diễn ra sau cuộc họp chung giữa các nhà sản xuất OPEC và ngoài OPEC, Saudi sẽ thấy khó khăn để điều hướng trong tình huống này. Việc tăng sản lượng chắc chắn sẽ khiến các thành viên OPEC khác thất vọng và trong tương lai, có thể ảnh hưởng đến uy tín của Saudi trong nhóm. Nhưng nếu không làm như vậy sẽ thu hút thêm nhiều yêu cầu từ - thường được chuyển thông qua nền tảng xã hội yêu thích của Trump, Twitter - với tác động làm tăng thêm áp lực giảm giá dầu toàn cầu.
Lướt qua tất cả những cân nhắc này là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào năm 2020. Theo Rex Preston Stoner, một nhà quan sát trong ngành dầu khí Mỹ ở Paris, “ưu tiên của ông Trump trong mười tám tháng tới sẽ là nỗ lực tái tranh cử của ông và, nếu ông nghe theo khuyến nghị của các cố vấn cấp cao của mình để tập trung vào nền kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ, thì những mối quan tâm trong nước hữu hình - chẳng hạn như giá xăng thấp hơn - có thể là quan trọng hơn nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các cân nhắc chính sách đối ngoại”.
Do đó, khi mùa lái xe mùa hè ở Mỹ sắp tới và giá dầu leo thang, Trump chắc chắn sẽ gây áp lực lên Saudi để tăng sản lượng nhằm bù đắp sản lượng bị mất từ Iran và ổn định giá cả. Đối với các nhà sản xuất dầu Saudi, đây quả thực sẽ là một mùa hè bận rộn!
Nguồn tin: xangdau.net