Sự thúc đẩy mạnh mẽ việc khử cacbon trong nền kinh tế thế giới đang buộc các hãng dầu lớn phải xem xét làm thế nào để giảm lượng khí thải cacbon trong các hoạt động của mình với mục tiêu trở thành doanh nghiệp trung hòa cacbon. Điều đó cùng với mối đe dọa về nhu cầu dầu đạt đỉnh đã khiến các ông lớn dầu mỏ đánh giá lại chiến lược kinh doanh của họ, với nhiều hãng hiện đang chọn cách tránh xa các dự án dầu khí có nhiều carbon chi phí cao. Điều này đặt ra một mối đe dọa lớn đối với Venezuela cũng như sự phục hồi kinh tế của quốc gia dầu mỏ đang chìm trong khủng hoảng.
Thành viên OPEC sở hữu trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, theo ước tính khoảng 304 tỷ thùng hoặc đủ dầu thô để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong khoảng 8 năm. Phần lớn trữ lượng dầu mỏ của Venezuela, lên tới 77% hoặc có thể hơn, bao gồm dầu thô cực nặng và nặng được tìm thấy trong Vành đai Orinoco ở lưu vực Đông Venezuela. Loại dầu thô nặng và cực nặng đó, hầu hết đều rất chua và có tỷ trọng API từ 10 độ trở xuống, cần rất nhiều carbon để chiết xuất và tinh chế. Vì những lý do đó, ngày càng có nhiều khả năng, một phần đáng kể trong trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Venezuela có thể trở thành một tài sản đắt giá bị mắc kẹt. Mặc dù cát dầu của Venezuela ít nhớt hơn so với loại được tìm thấy ở Canada, giúp dễ khai thác hơn, nhưng chúng lại quá sâu để khai thác trên bề mặt. Dầu thô nặng tại Vành đai Orinoco được khai thác thông qua các giếng khoan ngang đa phương bằng cách sử dụng một kỹ thuật được gọi là khai thác dầu nặng lạnh hoặc CHOPs. Đây là nơi cát được bơm vào một giếng được đục lỗ dẫn đến sự phát triển của các kênh có độ thấm cao cho phép dầu thô tự chảy lên bề mặt hoặc thông qua các kỹ thuật thu hồi thứ cấp. Dầu thô được khai thác từ Orinoco Belt đặc biệt nặng và chua với tỷ trọng API điển hình từ 5 đến 15 độ và hàm lượng lưu huỳnh từ 4% đến 6%. Nó cũng chứa nhiều nitơ và chất gây ô nhiễm. Những đặc điểm đó làm cho quá trình xử lý trở nên đặc biệt phức tạp và tốn nhiều năng lượng. Khi được chiết xuất, dầu thô được pha trộn với dầu nhẹ hoặc khí ngưng tụ (condensate) để giảm bớt độ nhớt, giúp nó được vận chuyển dễ dàng hơn để tinh chế hoặc bán.
Công ty dầu khí quốc gia Petrocedeño thuộc PDVSA lấy dầu thô cực nặng, có tỷ trọng API từ 8 đến 9 độ, được khai thác ở vùng Junin thuộc Vành đai Orinoco và nâng cấp thành dầu thô ngọt nhẹ. Quá trình đó diễn ra tại Khu liên hợp công nghiệp José Antonio Anzoátegui có công suất 180.000 thùng mỗi ngày. Dầu siêu nặng được pha loãng với các loại dầu mỏ ngọt nhẹ và / hoặc condensate, sau đó được nâng cấp chất lượng tại các cơ sở cải tiến để tạo ra Zuata Sweet, một loại dầu thô ngọt nhẹ với tỷ trọng API 32 độ và hàm lượng lưu huỳnh rất thấp 0,07%. Đây là một quá trình phức tạp và tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ra lượng khí thải nhà kính đáng kể, điều này giải thích tại sao TotalEnergies và Equinor lại chọn từ bỏ hoạt động trong Petrocedeño và giao lại cổ phần của họ cho PDVSA khi bị thua lỗ.
Một vấn đề nữa là tình trạng đổ nát của cơ sở hạ tầng dầu khí của Venezuela cùng với sự thiếu hụt lâu năm về dầu thô nhẹ và condensate khiến cơ sở Petrocedeño khó hoạt động hết công suất. Dầu Zuata Sweet ban đầu được giới thiệu cho thị trường lọc dầu Hoa Kỳ nhưng các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ đang ngăn cản PDVSA tiếp cận thị trường xăng dầu toàn cầu. Hơn nữa, công nghệ liên quan đến việc nâng cấp chất lượng tại Khu phức hợp José Antonio Anzoátegui rất phức tạp, dễ bị hỏng hóc và yêu cầu bảo trì tốn kém đáng kể. Trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela sụp đổ và gần như phá sản, rất khó để biết PDVSA làm thế nào để có thể có được các thiết bị cần thiết và vốn cho việc bảo trì và sửa chữa quan trọng. Vì những lý do đó, đặc biệt là sau khi xem xét đến môi trường hoạt động không ổn định của Venezuela, việc đầu tư vào một dự án sản xuất dầu thô cực chua để nâng cấp thành một loại dầu ngọt nhẹ dường như không hấp dẫn đối với các công ty năng lượng nước ngoài. Động lực quyết tâm của hầu hết các quốc gia phát triển để khử cacbon trong nền kinh tế toàn cầu và đáp ứng các mục tiêu phát thải đầy tham vọng để đảm bảo rằng sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức dưới 2 độC khiến các dự án dầu khí có lượng phát thải carbon cao gần như không thể đầu tư.
Loại dầu thô xuất khẩu chính của Venezuela là Merey, một loại đặc biệt chua và nặng với hàm lượng lưu huỳnh 2,45% và tỷ trọng API là 16 độ, đặc biệt phổ biến trong các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc. Merey được tạo ra bằng cách trộn dầu thô cực nặng từ 8 đến 10 độ được lấy từ Vành đai Orinoco với dầu ngưng từ 42 đến 52 độ hoặc dầu thô cực nhẹ. Việc sản xuất Merey, một hỗn hợp xuất khẩu quan trọng của Venezuela được các nhà máy lọc dầu Trung Quốc ưa thích, đang bị đe dọa vì tình trạng thiếu condensate và dầu nhẹ để pha trộn. Điều này là do sự sụt giảm mạnh sản xuất hydrocacbon trong nước do sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng dầu khí của Venezuela và các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ đã khiến thành viên OPEC này cắt đứt nguồn cung condensate. Dữ liệu do Carnegie Endowment For International Peace tổng hợp xếp Merey là một trong những loại dầu thải ra khí nhà kính cao nhất, trong khi hai loại dầu nặng khác của Venezuela là Tia Juana và Hamaca thậm chí còn tạo ra lượng khí thải lớn hơn.
Sự phụ thuộc của Venezuela vào sản lượng dầu thô siêu nặng là nguyên nhân khiến ngành công nghiệp dầu mỏ nước này trở thành một trong những nhà sản xuất dầu mỏ sử dụng nhiều carbon nhất trên toàn cầu. Một bài báo của Đại học Stanford năm 2018, phân tích số lượng khí nhà kính thải ra ở cấp độ quốc gia bởi ngành công nghiệp dầu mỏ thượng nguồn ở các quốc gia khác nhau, cho thấy rằng lượng khí thải nhà kính của Venezuela là cao thứ hai, đứng sau Algeria. Nghiên cứu khác, dựa trên dữ liệu phát thải năm 2015, cho thấy ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela tạo ra nhiều khí thải nhà kính hơn bất kỳ quốc gia nào khác, theo sát là Canada, nhà sản xuất cát dầu lớn nhất thế giới. Không giống như Canada, việc thiếu khả năng tiếp cận vốn cũng như chuyên môn, chủ yếu là do các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Hoa Kỳ, đang ngăn cản PDVSA phát triển các phương pháp luận và công nghệ khác nhau để giảm lượng khí thải nhà kính.
Vì những lý do đó, Venezuela đang phải vật lộn để có được nguồn vốn, công nghệ và chuyên môn cần thiết để xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ đang đổ vỡ của mình. Nguồn vốn đầu tư cần thiết là rất lớn, thậm chí ngay cả PDVSA lạc quan tin rằng sẽ phải mất 58 tỷ USD để khôi phục sản lượng dầu về mức của năm 1998 với hơn 3 tỷ thùng/ngày, mặc dù các chuyên gia khác tin rằng sẽ phải cần nguồn tiền nhiều hơn đáng kể, có khả năng lên đến 200 tỷ USD. Kế hoạch chi tiết cho việc tái thiết Venezuela do tổng thống lâm thời được Hoa Kỳ công nhận Juan Guaidó nêu rõ, nước này sẽ phải chi từ 180 tỷ đến 200 tỷ USD để bơm trung bình hai triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Các cố vấn kinh tế của Guaidó tin rằng sẽ mất 10 năm để sự phục hồi đó xảy ra. Chuyên gia về Venezuela Francisco Monaldi, thuộc Viện Baker, hồi đầu năm nay đã tuyên bố rằng việc đầu tư khoảng 110 tỷ USD trong hơn một thập kỷ là cần thiết để nâng sản lượng dầu thô của Venezuela lên 2,5 triệu đến 3 triệu thùng mỗi ngày.
Nguồn duy nhất cho những lượng vốn khổng lồ như vậy, cũng như công nghệ và chuyên môn, cần thiết để xây dựng lại ngành công nghiệp dầu mỏ đã suy tàn nặng của Venezuela là các ông lớn năng lượng phương Tây. Bất chấp những đề nghị của Maduro đối với ngành dầu khí toàn cầu và những cải cách của ông nhằm thu hút đầu tư năng lượng nước ngoài, sẽ không có ông lớn tư nhân nào mạo hiểm đầu tư vào Venezuela cho đến khi Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Các sự kiện cho thấy chính quyền Biden sẽ không xem xét việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả các hình phạt làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ do cựu Tổng thống Trump áp đặt, cho đến khi xảy ra thay đổi chế độ, điều này rất khó xảy ra. Mối đe dọa về nhu cầu dầu đạt đỉnh và sự thúc đẩy toàn cầu nhằm khử cacbon trong nền kinh tế thế giới, điều này sẽ chứng kiến những hãng dầu lớn đang nỗ lực làm cho hoạt động của họ trở nên trung hòa cacbon, có nghĩa là chỉ có một cơ hội hạn chế để Venezuela hưởng lợi từ trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của mình. Hiện tại, các gã khổng lồ năng lượng phương Tây đang tỏ ra lưỡng lự khi đầu tư vào các dự án dầu sử dụng nhiều carbon. Vì những lý do đó, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi trữ lượng dầu khổng lồ của Venezuela trở thành tài sản bị mắc kẹt, do cơ sở hạ tầng dầu bị bỏ rơi và thiệt hại môi trường rộng lớn, sẽ trở thành một khoản nợ đắt đỏ cho một quốc gia vốn đã gần như sụp đổ.
Nguồn tin: xangdau.net