Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Trữ dầu trên biển chờ giá lên

Giá dầu hạ khiến các nhà sản xuất và các doanh nghiệp giữ dầu để chờ đến khi giá lên trở lại. Và kết quả là các kho dầu đang tràn ngập dầu thô và họ phải thuê cả tàu chở dầu khổng lồ để trữ...
 

Một tàu chở dầu khổng lồ, loại được thuê để trữ dầu

Tại vùng Ấn Độ Dương, nam Đại Tây Dương hay vùng vịnh Mexico, các tàu chở dầu khổng lồ chứa đầy “vàng đen” đang thả neo hay đi lòng vòng mà chưa biết dừng lại ở đâu. Những chiếc tàu này chẳng khác nào những kho dầu di động. Các công ty dầu mỏ và các quốc gia thuê chúng tính toán thật đơn giản: giá dầu đã hạ đến mức không thể thấp hơn được nữa và sẽ phải lên trở lại.
 
Một số nước sản xuất dầu mỏ cũng muốn đẩy giá lên bằng cách giữ dầu lại thay vì tung ra thị trường. Trong khi đó, các nhà môi giới hi vọng sẽ kiếm được lời từ việc mua dầu giá thấp và sau đó bán lại với giá cao hơn. Việc trữ dầu thô đang phổ biến đến mức hầu như chẳng còn kho dầu nào trống nữa.
 
Mới cách đây sáu tháng, tất cả nhà máy lọc dầu đều phải hoạt động hết công suất nhằm thỏa mãn nhu cầu cực lớn của thị trường và hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao. Sau đó thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra. Người ta ít đi xe hơi hơn và việc tiêu thụ dầu giảm sụt. Do vậy nay các nhà máy này đã phản ứng hoàn toàn trái ngược, hoạt động cầm chừng. Nhà sản xuất đóng cửa giếng dầu và các kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ hoàn toàn bị đảo lộn.
 
Đối với các doanh nghiệp nói trên, vấn đề không chỉ là giá dầu hạ mà là tăng giảm thất thường - dấu hiệu của một thị trường bất ổn, tương lai bất định. Từ Giáng sinh 2008 đến tuần đầu tiên của năm 2009, giá dầu đã nhảy vọt lên 40% rồi giảm mạnh không kém. Có lúc chỉ trong vòng một ngày giá một thùng dầu thô giảm gần 12%.
 
Hiện nay giá dầu vẫn diễn biến thất thường như năm ngoái. Năm 2008, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào đầu năm và vọt lên gần 150 USD vào tháng 7. Sau đó giá lại rớt còn chưa đầy 35 USD vào tháng 12. Đã có 39 phiên giao dịch”, trong đó giá dầu xuống ít nhất 5%. Kể từ khi Iraq tấn công Kuwait vào năm 1990, người ta chưa từng thấy thị trường dầu mỏ biến động đến vậy. Sự bất ổn dai dẳng này khiến cả nhà sản xuất lẫn nhà đầu tư lo lắng.
 
Cách đây một năm, các nhà sản xuất và lọc dầu không đáp ứng nổi nhu cầu tăng vọt của thế giới bởi giá lúc nào cũng cao ngất ngưởng. Hiện nay họ phải ngồi ôm 327 triệu thùng dầu được trữ ở khắp nơi trên nước Mỹ, đặc biệt tại thị trấn Cushing (bang Oklahoma) - khu dự trữ và buôn bán dầu thô lớn nhất nước Mỹ (thị trấn nhỏ này là đầu mối của nhiều ống dẫn dầu và cũng là nơi giao hàng cho các vụ giao dịch dầu trên thị trường New York). Số dầu dự trữ này nhiều hơn 40 triệu thùng so với một năm trước đây và nhiều hơn 30 triệu thùng so với trung bình năm năm qua.
 
Do các bồn chứa dầu trên đất liền đã đầy ắp, các công ty dầu mỏ tư nhân hay quốc doanh, nhà máy lọc dầu và doanh nghiệp kinh doanh dầu đã phải đưa 80 triệu thùng dầu dôi dư vào 35 tàu chở dầu lớn và một số tàu khác nhỏ hơn. Frontline, hãng tàu chở dầu lớn nhất thế giới, cho biết đây là con số kỷ lục kể từ 20 năm nay.
 
Chỉ riêng Iran có thể đã phải sử dụng khoảng 15 tàu chở dầu. Quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ này hi vọng giá dầu sẽ tăng trở lại và qua đó thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp kinh doanh dầu tư nhân như Vitol và Phibro cũng đang giữ hàng trong khi chờ dầu tăng giá trở lại.
 
Adam Sieminski, kinh tế trưởng chuyên về năng lượng tại Deutsche Bank, cho biết hiện nay công ty môi giới có thể mua dầu với giá thị trường khoảng 40 USD/thùng hoặc thấp hơn. Họ giữ dầu lại rồi sau đó bán với giá khoảng 60 USD bằng hợp đồng giao sau (một năm sau). “Người ta chỉ phải trả 6-10 USD cho việc trữ một thùng dầu/năm và rồi có thể kiếm lời được 10 USD/thùng/năm. Vì vậy dầu đang tràn ngập thị trấn Cushing và tất cả đều giành nhau thuê các tàu chở dầu”.
 
Hiện giờ các công ty dầu mỏ phải dừng việc đầu tư vào các dự án tốn kém nhất. Và nhiều nhà máy lọc dầu đang đứng bên bờ vực phá sản.
 
Vài tháng nay, lợi nhuận từ việc lọc dầu đã giảm đến mức ngành công nghiệp này hầu như không còn lãi nữa, thậm chí còn bị lỗ khi sản xuất xăng. Vì thế các nhà sản xuất đều thích trữ dầu hoặc bán cho các nhà môi giới. Họ cũng trang bị lại nhà máy để sản xuất thêm các sản phẩm có lợi nhuận cao như dầu sưởi ấm, dầu diesel hoặc kerosene. Kết quả là họ sản xuất ít xăng hơn. Điều này khiến giá xăng bán lẻ tăng. Tại Mỹ, sau khi đạt đỉnh 4 USD/gallon vào mùa hè năm ngoái, giá xăng giảm còn 1,62 USD/gallon vào cuối tháng 12-2008 rồi tăng lên 1,79 USD vào đầu năm 2009 (khoảng 0,453440 USD/lít).
 
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ kéo giá dầu xuống dưới mức 30 USD/thùng. Ngược lại, một quan chức cấp cao của Kuwait cho rằng giá dầu sẽ tăng trở lại vì Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định cắt giảm mạnh sản lượng từ tháng 9 năm ngoái. Dựa vào biến động bất thường những ngày vừa qua, Daniel Yergin - một nhà tư vấn năng lượng - nói: “Chẳng rủi ro gì khi cho rằng dự báo của cả hai đều có lý”.
 
Theo các chuyên gia, giá dầu có thể sẽ tiếp tục biến động trong phần lớn năm 2009. Adam Robinson - phụ trách mảng nguyên liệu thô của Quỹ Armored Wolf (California, Mỹ) - nhận xét: “Bất ổn chỉ là một cách nói khác để chỉ sự không chắc chắn. Cung cầu và giá dầu vẫn sẽ rất bấp bênh”.
 
Giá dầu được dự báo giảm

Năm 2009, nhu cầu dầu mỏ được dự báo giảm từ gần 1 triệu thùng/ngày đến 1,2 triệu thùng/ngày. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1982.

Cứ mỗi tháng, các tổ chức chuyên nghiên cứu về năng lượng lại giảm dự báo sản lượng tiêu thụ dầu của thế giới. Điều này cho thấy nhu cầu về dầu đã giảm đáng kể như chưa từng có kể từ năm 1982. Điều này cũng đã gây áp lực lên giá dầu, khiến giá rớt còn chưa đầy 40 USD/thùng tại New York và làm giảm lợi nhuận của nhà đầu tư. Ngày càng có nhiều dự án khai thác và sản xuất dầu bị hoãn, thậm chí bị hủy bỏ để chờ đến khi giá dầu lên trở lại.
 
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm nay sản lượng dầu sẽ giảm 980.000 thùng mỗi ngày. Còn Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng sẽ giảm 1,2 triệu thùng. Đương nhiên, mức giảm còn tùy thuộc quyết định của OPEC. Trong bản báo cáo tháng vừa được công bố, OPEC dự định cắt giảm 580.000 thùng mỗi ngày để quay về mức sản lượng trung bình 85,13 triệu thùng. Cách đây một tháng, OPEC chỉ định cắt giảm 180.000 thùng.
 
Tổ chức này không loại trừ khả năng sẽ bàn việc thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu mỏ trong cuộc họp tại Vienna ngày 15-3. Những tháng vừa qua, OPEC đã quyết định rút khỏi thị trường 4,2 triệu thùng dầu nhằm ngăn chặn giá dầu giảm sâu thêm.
 
Tác động lên giá dầu và mức tiêu thụ dầu trong kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ (trị giá 787 tỉ USD) vẫn chưa rõ ràng. Trong báo cáo tháng của OPEC, các chuyên gia dự báo: “Nhu cầu về dầu giảm mạnh từ năm ngoái có nguy cơ vẫn sẽ kéo dài ít nhất là ba quý đầu năm 2009”. Paolo Scaroni, đại diện quản lý của Công ty Eni (Ý), cũng cho rằng giá sẽ vẫn ở mức khoảng 40 USD. Còn Falah al-Amiri, chủ tịch cơ quan nhà nước phụ trách việc bán dầu của Iraq, cho rằng giá dầu sẽ không tăng trở lại lên 70-75 USD/thùng trong hai năm tới.
 
Cũng không có nhiều chuyên gia dự báo giá dầu sẽ tăng nhanh trở lại quanh ngưỡng 75 USD hay 80 USD/thùng. Đây là dự báo xấu đối với các nhà đầu tư. Các công ty quốc doanh hay tư nhân đều cho biết việc khai thác ở một số mỏ dầu chỉ có lãi nếu giá dầu là 80 USD/thùng, thậm chí giá còn phải cao hơn đối với những mỏ khó khai thác.

(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM