OPEC rốt cuộc cũng đang thực hiện động thái có thể giúp hoàn thành sứ mệnh mà tổ chức này đã thất bại tính cho đến nay: vận chuyển ít dầu hơn tới Mỹ, theo Sanford C. Bernstein.
Xuất khẩu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ sang Mỹ đã giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày kể từ khi đạt đỉnh vào cuối tháng 3, các nhà phân tích của Bernstein trong đó có Neil Beveridge đã viết trong một báo cáo ngày 25 tháng 5. Nhóm này, bao gồm cả nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia, hiểu rằng việc giảm các lô hàng tới Mỹ là ưu tiên hàng đầu nếu như muốn đạt được mục tiêu thu hẹp dư cung tồn kho toàn cầu.
OPEC đang hạn chế nguồn cung của mình khi Mỹ đe dọa cướp mất thị phần của nhóm trong các thành trì truyền thống chẳng hạn như châu Á, khu vực tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Các vấn đề của nhóm càng tăng thêm bởi sự tăng vọt lượng hàng vận chuyển đến các nước phát triển vào cuối năm ngoái, ngay trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng sáu tháng với một số đồng minh trong đó có Nga có hiệu lực từ tháng 01. Điều đó có nghĩa là tồn kho toàn cầu đã tăng lên thay vì thu hẹp lại kể từ khi việc cắt giảm được thông báo, theo Bernstein.
Beveridge viết: "Mặc dù cho đến nay OPEC đã hành động chậm chạp nhưng cuối cùng trông có vẻ như họ đang bắt đầu giữ lời hứa. Kể từ tháng 4, "chúng ta đã thấy một sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu dầu từ OPEC sang các nước OECD, với mức giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày. Điều quan trọng là hầu hết việc cắt giảm xuất khẩu của OPEC sang OECD đều tập trung vào việc giảm xuất khẩu dầu thô tới Mỹ".
OPEC và các nước đồng minh sẽ họp ở Vienna vào ngày 25/5 để thảo luận về việc gia hạn cắt giảm xuất khẩu. Mục tiêu của họ là giảm tồn kho toàn cầu tới hoặc dưới mức trung bình 5 năm và phục hồi giá từ sau vụ sụp đổ tồi tệ nhất trong một thế hệ.
Nếu OPEC làm tồn kho dầu thô của Mỹ quay lại mức bình thường vào cuối năm nay, thì dự trữ cần giảm 5 triệu thùng mỗi tuần trong 30 tuần tới, Bernstein ước tính. "Điều này có nghĩa nguồn cung của Mỹ sẽ phải giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày", theo báo cáo.
Theo Bernstein, trong khi xuất khẩu của OPEC sang Mỹ đã giảm về khối lượng kể từ cuối tháng 3 thì Mỹ đã và đang vận chuyển nhiều hơn ra thế giới, trong đó có cả châu Á. Khi các quốc gia Trung Đông bao gồm Ảrập Xêút chịu phần lớn các rào cản đầu ra bắt buộc, thì giá dầu thô chuẩn Dubai cao hơn so với West Texas Intermediate Mỹ, làm cho dầu liên quan đến WTI hấp dẫn hơn đối với người mua.
Theo Bloomberg Intelligence, xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đã tăng lên 768.000 tấn vào tháng 4, làm tăng thị phần ở quốc gia châu Á này lên 2,2%, so với 0,1% cách đây một năm. Trong khi đó, thị phần của Trung Đông giảm từ 47% xuống còn 43%.
Xuất khẩu từ Ả-rập Xê-út tới các nước phát triển đã giảm đáng kể từ đầu tháng 4, theo Bernstein. Beveridge viết: "Saudi có thể đã giảm lượng dầu lớn chở tới Mỹ bất chấp nhiều thay đổi trong chính sách giá của mình. Kể từ đầu năm, Saudi đã tăng giá các loại dầu thô nhẹ của mình tới Mỹ so với giá bán ở châu Á".
Việc duy trì sản xuất và kỷ luật xuất khẩu trong nửa cuối năm 2017 sẽ là ưu tiên hàng đầu của OPEC, theo Bernstein. Giả sử nhóm này có thể làm được điều này thì tồn kho sẽ giảm đáng kể và tiếp tục hỗ trợ cho "đường đi lên của giá dầu".
Nguồn tin: xangdau.net