Sau một ngày tăng giá, với sự hoài nghi về mức độ tuân thủ sản lượng khai thác của các nước OPEC+ và diễn biến dịch Covid-19 tái bùng phát tại Mỹ, Trung Quốc đã kéo giá xăng dầu hôm nay đi xuống.
Tính đến đầu giờ sáng ngày 4/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 69,79 USD/thùng, giảm 0,24 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 3/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2021 đã giảm tới 1,25 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 72,22 USD/thùng, giảm 0,19 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 1,12 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 3/8.
Giá dầu ngày 4/8 giảm mạnh do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu giảm khi dịch Covid-19 tái bùng phát và có dấu hiệu lan rộng tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Âu.
Theo trang thống kê thời gian thực Worldometers, tính đến sáng 4/8, thế giới đã ghi nhận 200.152.677 ca nhiễm Covid-19 và 4.257.023 ca tử vong, tăng lần lượt 548.404 và 8.543, trong khi 178.735.207 người đã bình phục.
Giá dầu hôm nay còn chịu tác động tiêu cực khi các dữ liệu kinh tế được công bố thời gian gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng, đặc biệt trong khu vực sản xuất của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là 2 quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới có dấu hiệu chùng lại.
Thông tin sản lượng khai thác dầu thô của Nga tăng lần đầu tiên trong tháng 7 đã làm dấy lên lo ngại về mức độ tuân thủ của các nước OPEC+, có thể phá vỡ thế cân đối cung – cầu trên thị trường theo tính toán của OPEC+, qua đó cũng tạo áp lực khiến giá dầu giảm mạnh.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.498 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.681 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.375 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.398 đồng/lít; giá dầu mazut không cao hơn 15.522 đồng/kg.
Giá dầu giảm trong bối cảnh các hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19 kết hợp với hoạt động sản xuất chậm lại là những yếu tố ảnh hưởng xấu đến tâm lý của giới đầu tư. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định rằng biến thể Delta đang tạo ra những rủi ro kinh tế mới ở Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới.
ANZ cho hay, hoạt động kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 7, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm từ 50,9 trong tháng Sáu xuống 50,4. Trong khi đó hoạt động sản xuất cũng chậm lại ở Mỹ, với chỉ số ISM tháng Bảy giảm từ 60,6 trong tháng Sáu xuống 59,5 - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị