Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tập trung vào số liệu dầu lưu kho được Mỹ công bố ngày 25-26/10 để có những dấu hiệu mới hơn về tình trạng cung-cầu.
Giá dầu đóng của phiên cuối tuần trước đảo chiều và đóng cửa trong sắc xanh tại phiên giao dịch cuối tuần trước bất chấp đồng USD tăng giá. Nguyên nhân tới từ nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Nga về sự cần thiết của thỏa thuận đóng băng dầu mỏ trong quá trình bình ổn thị trường.
Giá dầu WTI tăng 35 cent (0,69%) để đóng cửa ở mức 50,98 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 21/10. Giá dầu Brent tăng 53 cent (1,03%) để đóng cửa ở mức 51,91 USD/thùng.
Ngày 21/10, Bộ trưởng Năng lượng Nga – ông Alexander Novak – bày tỏ sự quan tâm hợp tác với Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) trong việc cắt giảm sản lượng và một đề nghị sẽ được đưa ra trong cuộc họp cuối tuần này giữa Nga và Saudi Arab.
Cuối tháng trước, OPEC tuyên bố họ đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc đóng băng sản lượng ở mức 32,5-33 triệu thùng/ngày. Dự kiến, chi tiết của thỏa thuận sẽ được chốt trong cuộc họp chính thức tiếp theo diễn ra ngày 30/11 tại Vienna. Tuy nhiên, một số người cho rằng thỏa thuận này có thể thất bại nếu không có sự góp mặt của Nga.
Trong phiên ngày 21/10, đồng USD tăng giá tạo áp lực kéo giá dầu xuống bởi đây là mặt hàng chủ yếu được giao dịch bằng đồng tiền này.
Giá dầu trước đó từng đạt đỉnh 12 tháng trong phiên giao dịch ngày 19/10 nhờ số liệu lưu kho tích cực ngoài dự kiến của Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu lưu kho giảm 5,2 triệu thùng trong tuần từ 8/10 đến 14/10, gần gấp đôi so với dự báo 2,7 triệu thùng đưa ra trước đó. EIA cho biết tổng lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần trước không đổi ở mức 468,7 triệu thùng.
Theo một số nhà phân tích, với tình trạng cung vượt cầu trong hơn 2 năm qua, lượng dầu lưu kho giảm cho thấy sự phục hồi không ổn định của giá dầu.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tập trung vào số liệu dầu lưu kho được Mỹ công bố ngày 25-26/10 để có những dấu hiệu mới hơn về tình trạng cung-cầu.
Nguồn tin: Ndh