Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Triển vọng giá cả hàng hóa toàn cầu năm 2018

Năm 2017 là năm thứ 2 liên tiếp giá cả hàng hóa toàn cầu vẫn giữ được đà tăng. Mặc dù vậy, nó không còn duy trì được đà tăng liên tục qua các tháng như năm ngoái, mà thay vào đó là xu hướng tăng giảm xen kẽ.

Cụ thể, chỉ số giá hàng hóa chung theo thống kê của Bloomberg giữ được đà tăng trong 2 tháng đầu năm, giảm mạnh liên tục trong 4 tháng tiếp theo và tăng giảm đan xen trong những tháng còn lại. Kết thúc năm 2017, chỉ số giá hàng hóa chung tăng nhẹ 1,7% so với cuối năm ngoái. 

Cùng với sự gia tăng của giá dầu, giá các sản phẩm năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục tăng 4% trong năm 2018

Diễn biến các nhóm hàng chính về cơ bản cũng bám sát với diễn biến của chỉ số hàng hóa chung với diễn biến tăng giảm đan xen qua các tháng. Mặc dù vậy, mức độ biến động có sự khác nhau giữa các nhóm hàng. Một số mặt hàng thuộc nhóm nguyên liệu thô vẫn giữ được đà tăng mạnh của năm ngoái như đồng tăng 27,7%, nhôm tăng 28,05%, kẽm tăng 25,85%, khí đốt tăng 14,28%, bông tăng 10,22%… tuy nhiên nhiều mặt hàng lại giảm khá mạnh như khí ga giảm 29,73%, thiếc giảm 7,55%, coca giảm 14,91%, cà phê giảm 12,15%…

Trên thị trường năng lượng, giá dầu cũng chứng kiến một năm nhiều biến động. Giá dầu diễn biến khá ổn định trong 2 tháng đầu tiên, có chiều hướng đi xuống trong 4 tháng tiếp theo và bật tăng mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối năm.

Chi phối diễn biến chủ đạo của giá dầu trong năm 2017 vẫn là những yếu tố từ phía nguồn cung, liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của các nước OPEC hay sự tăng giảm sản lượng dự trữ dầu tại Mỹ. Kết thúc năm 2017, giá dầu thô vẫn duy trì được đà tăng của năm 2017 với giá dầu Brent đạt mức tăng 12,47% trong khi giá dầu WTI đạt mức tăng 17,68% so với cuối năm ngoái.

Như vậy, về cơ bản giá cả hàng hóa toàn cầu vẫn giữ được đà tăng trong năm 2017 và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2018 với sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Trước hết, lượng cầu hàng hóa sẽ tiếp tục gia tăng cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Theo ông Terry Reilly, một chuyên gia tại Futures International (một trong những công ty môi giới hàng đầu trên thị trường nông nghiệp) cho rằng đã kết thúc thời kỳ giá cả các nguyên vật liệu thấp bởi năm 2018 các quỹ đầu tư sẽ hướng đến các loại hàng hóa này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Nhu cầu và giá cả tăng cao là thực tế được ghi nhận với các kim loại được sử dụng trong ngành năng lượng tái tạo như đồng phục vụ sản xuất đường dây truyền tải và dây cáp dùng trong các tấm thu năng lượng mặt trời. Tình hình tương tự với nhôm, được sử dụng rộng rãi trong các loại xe điện.

Cụ thể, giá đồng và nhôm đã tăng gần 33% trong năm 2017 và đạt mức cao nhất kể từ bốn năm qua vào cuối năm. Theo ước tính của Pan Pacific Copper, nhà máy luyện đồng lớn nhất Nhật Bản, giá đồng sẽ tiếp tục tăng hơn 25% trong hai năm tới để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang gia tăng.

Bên cạnh đó, cuộc chiến chống ô nhiễm của Bắc Kinh, với nhu cầu về năng lượng sạch hơn và các vật liệu thiết yếu cho công nghệ sạch, đã thúc đẩy giá kim loại công nghiệp, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và thậm chí cả giá thép lên cao. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tiếp tục được đẩy lên trong năm 2018 còn được lý giải bởi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Giá dầu cũng trên đà gia tăng trong bối cảnh các nhà xuất khẩu dầu mỏ nhất trí cắt giảm sản lượng và nhu cầu toàn cầu tăng cao. Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược ròng cho việc giá dầu WTI (giao dịch tại Mỹ) và dầu Brent sẽ có thể phá mốc 70 USD/thùng trong năm 2018. Cùng với sự gia tăng của giá dầu, giá các sản phẩm năng lượng, như dầu, khí tự nhiên và than đá, được dự báo sẽ tiếp tục tăng 4% trong năm 2018.

Về phía các mặt hàng nông sản, WB cũng dự báo giá nông sản giữ được đà tăng trong năm 2018 do nguồn cung giảm trước tác động của các hiện tượng thời tiết bất thường. Mặc dù vậy, hầu hết các thị trường thực phẩm đang được cung cấp đầy đủ và tỷ lệ dự trữ, tiêu dùng của một số loại ngũ cốc được dự báo đạt mức cao trong nhiều năm, qua đó hạn chế việc tăng mạnh của giá nông sản trong thời gian tới. Theo đó, mức tăng của giá nông sản trong năm 2018 chỉ dao động quanh ngưỡng 1 - 2%.

Nguồn tin: thoibaonganhang.vn

ĐỌC THÊM