Sở Công Thương TPHCM và đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vừa qua đã có kiến nghị Bộ Công Thương xem xét lùi thời gian triển khai đại trà xăng sinh học E5 trên toàn quốc trong năm 2017. Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định sẽ xử lý các vấn đề của doanh nghiệp cũng như xem xét lại lộ trình thay thế hoàn toàn xăng A92.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, cần nhiều cơ chế hơn nữa mới khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng E5. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Doanh nghiệp băn khoăn lợi nhuận thấp
Trong văn bản gửi UBND TPHCM mới đây, Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính đến tháng 10/2016, tại TPHCM đã có trên một nửa trong tổng số hơn 500 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ bình quân chưa cao, chỉ đạt 8.330 m3/tháng. Để thu hút sự quan tâm của người sử dụng, Sở Công Thương TPHCM kiến nghị giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu hoa hồng, phí môi trường.
Theo Sở Công Thương TPHCM, khó khăn cản trở việc tiêu thụ xăng sinh học là do giá xăng E5 chỉ thấp hơn xăng A92 260 đồng/lít, chưa hấp dẫn và khuyến khích các đối tượng kinh doanh cũng như người tiêu dùng sử dụng xăng E5. Bên cạnh đó, việc các nhà máy Ethanol trong nước đã đóng cửa hoặc đang xây dựng dở dang chưa đi vào vận hành đã dẫn đến khó khăn về nguồn cung.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho rằng, đến nay chất lượng xăng sinh học đã được đảm bảo. Khi đưa vào tiêu thụ đại trà, xăng E5 sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết vấn đề khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vị này cũng thẳng thắn cho rằng xăng sinh học đến nay vẫn chưa được các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối mặn mà một phần do nguồn nguyên liệu đầu vào, nguồn cung ethanol và đầu ra không ổn định. Chưa kể tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình vận chuyển bảo quản và việc đầu tư các máy pha trộn, hệ thống bể chứa khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên nhiều.
Theo vị này, để thúc đẩy tiêu thụ xăng E5, bên cạnh quy định cứng về việc bắt buộc doanh nghiệp phải có cột xăng, cơ quan quản lý cần tính đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh giảm thuế môi trường.
“Để người dân sử dụng xăng E5 nhiều hơn có thể giảm mức thuế môi trường từ 3.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/lít. Với phương án này, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi kép về mặt môi trường và giá xăng rẻ, như vậy họ mới thấy giá rẻ hơn hẳn so với xăng khoáng. Giải pháp khác là Nhà nước giữ nguyên thuế môi trường của xăng E5 ở mức 3.000 đồng/lít và tăng thuế với xăng khoáng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít”, vị này đề xuất.
Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu khu vực phía Nam cũng cho hay, doanh nghiệp chưa mặn mà trong kinh doanh xăng E5 một phần do doanh thu từ mặt hàng này không cao.
Chưa kể tỷ lệ chiết khấu và chênh lệch giá bán xăng đối với xăng sinh học chưa hấp dẫn đối với cả người tiêu dùng và các đại lý xăng dầu thực hiện việc phân phối. Việc cho tiêu thụ đồng thời xăng sinh học E5 và xăng A92 song song như hiện nay sẽ không bao giờ giải quyết được bài toán tiêu thụ xăng E5 do tâm lý người dân vẫn muốn sử dụng xăng khoáng hơn. Còn ai không muốn sử dụng xăng E5 thì đổ xăng A95 và phải chịu mức giá cao hơn. Có như vậy mới giải quyết được bài toán về lựa chọn sử dụng xăng của người dân.
“Người tiêu dùng đều biết xăng sinh học chất lượng không có vấn đề gì nhưng về tâm lý họ vẫn có sự nghi ngại nhất định. Điều này chủ yếu do các doanh nghiệp không thông tin đầy đủ và liên tục về chất lượng của xăng E5”, vị này phân tích.
Thay thế xăng A92 bằng E5 theo lộ trình
Trả lời báo chí tại phiên họp báo Chính phủ cuối tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện nay chưa có quyết định cuối cùng, thời điểm nào thì xăng A92 được thay thế bằng E5. Việc thay thế xăng khoáng RON92 bằng E5 cần được thực hiện từ từ theo lộ trình, tiến đến thay thế hoàn toàn vào thời điểm thích hợp.
Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế dần dần xăng khoáng A92, Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng cần tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện lộ trình sử dụng xăng sinh học E5.
Theo Thứ trưởng Vượng, hiện nay, cả nước có 4 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, nhưng chỉ nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty Tùng Lâm là còn hoạt động. Hiện việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 trên chủ yếu từ 2 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 150.000 tấn/năm (một nhà máy công suất 50.000 tấn/năm; một nhà máy 100.000 tấn/năm) đủ để phối trộn trên 3 triệu tấn xăng sinh học E5/năm.
Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung ethanol E100 triển khai thực hiện Chỉ thị số 235 của Thủ tướng Chính phủ; mở rộng thêm trạm phối trộn xăng E5 trên địa bàn khu vực miền Bắc và các địa phương khác.
Nguồn tin: Tienphong