Từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ cho mở mới thêm 372 cây xăng trên mặt đất và trên mặt nước, ưu tiên ở các quận, huyện ngoại thành.
Ảnh minh họa
Trao đổi với TBKTSG Online hôm nay, 4-4, lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM cho biết, số lượng phân bổ cho từng quận, huyện đã được UBND TPHCM thông qua tại Quyết định 6050 (phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến 2030).
Theo đó, những quận huyện được ưu tiên mở mới nhiều cây xăng (chỉ tính riêng trên mặt đất) là quận 2 (thêm 22 cây), quận 12 (26 cây), quận Bình Tân (17 cây), quận Gò Vấp (11 cây), huyện Bình Chánh (51 cây), huyện Củ Chi (53 cây), huyện Cần Giờ (21 cây), huyện Nhà Bè (20 cây) và huyện Hóc Môn (16 cây).
Đặc biệt, để phát triển du lịch đường sông, vận tải thủy, cơ quan chức năng cũng đã quy hoạch mở thêm 62 cây xăng trên mặt nước ở các quận, huyện như quận 1, 2, 5, 6, 7, 8, 9, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh.
Tổng số cây xăng mở mới được xác định là 372 cây, kéo dài từ nay đến năm 2030.
Việc phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng khi dân số của TPHCM tăng lên. Theo dự báo của Sở Công Thương, đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TPHCM sẽ đạt 2,349 triệu mét khối, tăng lên mức 3,251 triệu mét khối vào năm 2025 và gần 4,3 triệu mét khối vào năm 2030.
Một trong những điểm mới của quy hoạch này, theo lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại, là có hướng khá mở. Nghĩa là, vị trí mở cây xăng không cố định trong quy hoạch mà có thể linh động tùy vào tình hình phát triển dân số, nhu cầu tiêu thụ, miễn là không vượt quá số lượng đã được quyết định.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại, vì phát triển ở những quận, huyện ngoại thành, quỹ đất còn tương đối rộng nên các cây xăng mở mới, ngoài đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành xăng dầu, cơ quan quản lý còn khuyến khích việc phát triển đa dịch vụ (ví dụ có cửa hàng tiện ích kèm theo, có khu vực dừng, đỗ xe…).
Đặc biệt, để tránh tình trạng “xí phần”, “quy hoạch treo”, việc chấp thuận đầu tư cây xăng từ Sở Công Thương TPHCM theo quy hoạch này chỉ có giá trị pháp lý trong một năm. Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không triển khai thì quyền đầu tư được nhường cho doanh nghiệp khác.
Ở thời điểm hiện tại, theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn TPHCM có 532 cây xăng đang hiện hữu. Trong đó, 528 cây đang hoạt động, có giấy chứng nhận đủ điều kiện, 2 cây đang hoạt động tạm thời và 2 cây đang ở tình trạng chờ sửa chữa.
Nguồn tin: Thesaigontimes