Ngày 2/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định điều quan trọng là cần sử dụng mọi công cụ để bình ổn các thị trường năng lượng.
Phát biểu tại một diễn đàn năng lượng ở Moskva, ông nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục là một bên có trách nhiệm trong liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp tại Moskva ngày 23/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trước các đại biểu tham gia diễn đàn, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng Iran và Saudi Arabia, Tổng thống Nga cũng khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công nhằm vào cơ sở lọc dầu tại Saudi Arabia hồi tháng trước, đồng thời chỉ ra rằng bản thân Mỹ cũng không đưa ra một bằng chứng nào cho cáo buộc của họ về vai trò của Tehran.
Trong phát biểu của mình, "gã khổng lồ" năng lượng Gazprom của Nga cho biết tuyến đường ống dẫn khí gây tranh cãi mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 nhằm cung cấp khí đốt cho châu Âu, có thể tránh đi qua vùng biển của Đan Mạch nếu Copenhagen không cho phép. Rào cản cuối cùng của dự án sắp hoàn thành này là phải có được một thỏa thuận với Đan Mạch, theo đó cho phép đường ống đi qua vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Chủ tịch Gazprom Viktor Zubkov cho biết nếu Đan Mạch không cho phép, đường ống sẽ đi vòng để tránh và việc này sẽ khiến "dự án tốn kém hơn và kéo dài hơn". Ông Zublov cũng chỉ trích quan điểm của Copenhagen vì đường ống này sẽ "mang khí đốt đến cho châu Âu".
Việc xây dựng dự án trên đã làm dấy lên lo ngại về việc Tây Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga, tạo ra các "đòn bẩy" cho Moskva trong nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, những nước ủng hộ - đứng đầu là Đức, nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) - lập luận rằng đường ống này sẽ cung cấp đủ khí đốt với giá cả phải chăng.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo sẽ xử lý đường ống này cũng như bất kỳ ai vi phạm các trừng phạt của Mỹ, đồng thời cho rằng đường ống trên đang khiến Đức trở thành "con tin" của Nga.
Phát biểu về việc này, ông Putin cáo buộc Mỹ đang "can thiệp thô bạo" vào các vấn đề nội bộ của châu Âu. Tổng thống Nga cũng nhận định việc Washington sử dụng đồng USD làm một công cụ chính trị đang phản tác dụng vì ngày càng nhiều nước giảm bớt dự trữ đồng tiền xanh này và chuyển sang các loại tiền tệ khác trong các hợp đồng thương mại.
Nguồn tin: baotintuc.vn