Trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023, giá dầu đã ghi nhận tuần giảm giá, ngắt quãng đà tăng của 2 tuần trước đó.
Trong tuần trước, giá dầu bắt đầu giao dịch vào ngày 26/12 vì các thị trường nghỉ lễ Giáng sinh ngày 25/12.
Giá dầu đã bắt đầu tuần giao dịch bằng cú bật tăng bất ngờ hơn 2% do các cuộc tấn công vào tàu ở Biển Đỏ vẫn không có chiều hướng giảm, làm dấy lên lo ngại về gián đoạn vận chuyển, và hy vọng các ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng lao dốc ở 3 phiên giao dịch tiếp theo của tuần.
Cụ thể, tại phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu giảm gần 2% khi các nhà đầu tư theo dõi diễn biến ở Biển Đỏ trong bối cảnh các công ty vận tải biển lớn đang nối lại hoạt động ở khu vực này bất chấp các cuộc tấn công tàu của lực lượng Houthi.
Giá dầu giảm tiếp khoảng 3% do nhiều công ty vận tải biển cho biết sẵn sàng đi qua tuyến Biển Đỏ làm giảm bớt lo ngại về gián đoạn nguồn cung khi căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang.
Theo Reuters, tập đoàn Maersk của Đan Mạch sẽ chuyển hướng hầu hết các tàu container hoạt động giữa châu Á và châu Âu qua kênh đào Suez và chỉ chuyển hướng một số tàu đi vòng xuống cực nam châu Phi. CMA CGM của Pháp cũng đang tăng số lượng tàu hoạt động qua kênh đào Suez.
Giá dầu tiếp tục giảm ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần với mức giảm khá khiêm tốn, 12 cent.
Với 3 phiên giảm và 1 phiên tăng, giá dầu tuần trước đã ghi nhận tuần giảm giá. Tính cả năm, cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 10% và kết thúc năm ở mức thấp nhất kể từ năm 2020. Dầu Brent kết năm ở mức 77,04 USD/thùng, dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 71,65 USD/thùng.
Dầu Brent đã tăng 10% và dầu WTI tăng 7% trong năm 2022 do lo ngại về nguồn cung sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Reuters với 34 nhà kinh tế và nhà phân tích, giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82,56 USD/thùng vào năm 2024, giảm so với mức dự báo 84,43 USD/thùng hồi tháng 11. Sự sụt giảm này do tăng trưởng toàn cầu yếu sẽ hạn chế nhu cầu, trong khi căng thẳng địa chính trị có thể hỗ trợ.
Các nhà phân tích cũng đặt ra câu hỏi liệu OPEC+ có thể duy trì mức cắt giảm nguồn cung mà nhóm đã cam kết để hỗ trợ giá hay không. OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng khoảng 6 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 6% nguồn cung toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự biến động khi bước sang năm 2024 với các sự kiện địa chính trị và lo ngại rằng xung đột có thể lan rộng khắp khu vực Trung Đông.