Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 52/2024

Giá dầu thế giới tiếp đà tăng mạnh trong tuần trước, giá dầu Brent và WTI đều tăng 1,4% dù đã trải qua các phiên giao dịch trầm lắng do kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, được hỗ trợ bởi các tin tức liên quan đến Trung Quốc và tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh.

Giá dầu bước vào tuần với “sắc đỏ” trong bối cảnh giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do lo ngại về tình trạng dư cung vào năm 2025 và sự mạnh lên của đồng USD. Trong phiên giao dịch này, giá dầu mất gần 0,5%.

Song, tại phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu đã lấy lại được toàn bộ mức đã để mất ở phiên trước đó, đồng thời tăng thêm được một ít. Sự bật tăng khoảng 1 USD này của giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin chính quyền Trung Quốc đã đồng ý phát hành 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 411 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt vào năm 2025 - đợt phát hành cao nhất từ trước đến nay, đồng thời cao gấp 3 lần so với đợt phát hành trong năm 2024.

Sau đó, giá dầu dường như đi ngang trong phiên giao dịch thứ ba do thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ dịp Giáng sinh.

Sang phiên giao dịch thứ tư, chính sự mạnh lên của đồng USD đã đẩy giá dầu giảm tới 48 cent. Hạn chế phần nào mức giảm trong phiên là chất xúc tác mang tên trái phiếu kho bạc đặc biệt của Trung Quốc và dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô trong nước đã giảm 3,2 triệu thùng  trong tuần tính đến ngày 20/12.

Đến phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đảo chiều tăng hơn 1%, được hỗ trợ bởi lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu của Mỹ giảm 4,2 triệu thùng. Mức giảm này cao hơn 2 lần so với mức dự kiến giảm 1,9 triệu thùng của các nhà phân tích mà Reuters đã thăm dò và cao hơn 1 triệu thùng so với dữ liệu của API. Trong khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động và mùa lễ hội thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng.

Yếu tố thúc đẩy giá dầu trong phiên còn phải kể đến kỳ vọng nhu cầu tăng từ Trung Quốc khi Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho Bắc Kinh trong năm nay và năm sau. Theo WB, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ đạt 4,9% trong năm 2024, cao hơn 0,1% so với dự báo hồi tháng 6 và đạt 4,5% trong năm 2025, tăng 0,4% so với dự báo trước đó.

Với 2 phiên giảm nhẹ, 2 phiên tăng và 1 phiên đi ngang, giá dầu WTI và Brent cùng tăng khoảng 1,4% trong tuần. Mức tăng này dù không đủ để bù đắp cho mức giảm của tuần trước đó (giảm khoảng 2,5%) nhưng cũng đủ để dầu xác lập tuần tăng giá. Cụ thể, giá dầu WTI dừng ở mốc 70,26 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent có giá 74 USD/thùng.

Theo giới phân tích, tình trạng dư cung sẽ ngày càng gia tăng trong năm 2025. Điều này sẽ khiến giá dầu Brent trung bình chỉ đạt mức 70,50 USD/thùng, thấp hơn so với mức trung bình 79,64 USD/thùng của năm 2024.

Ngoài ra, một nghiên cứu từ tập đoàn lọc hóa dầu Sinopec của Trung Quốc cũng cho thấy, mức tiêu thụ dầu của quốc gia này có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, và điều này cũng gây áp lực lên giá dầu.

Trong khi đó, các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng FGE dự kiến trong ngắn hạn giá dầu sẽ dao động quanh mức hiện tại, khi hoạt động giao dịch giảm trong dịp nghỉ lễ cuối năm và các nhà đầu tư muốn có được một cái nhìn rõ ràng hơn về cán cân dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025.

Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dường như đang nóng trở lại sau nhiều sự kiện trong tuần này, và có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu vào năm 2025.