Giá dầu tuần trước quay đầu đảo chiều giảm khoảng 2,5% sau khi tăng mạnh trong tuần trước đó.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm 0,8%, trượt khỏi mức cao nhất trong nhiều tuần, do chi tiêu tiêu dùng yếu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - Trung Quốc, và việc các nhà đầu tư tạm dừng mua trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong tháng 11, doanh số bán lẻ ở Trung Quốc, thước đo tiêu dùng tăng 3% - mức thấp nhất trong 3 tháng và giảm 1,8% so với hồi tháng 10.
Giá dầu duy trì mức giảm thêm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong một tuần trong phiên giao dịch thứ hai của tuần. Lo ngại về nhu cầu sau các dữ liệu kinh tế từ Đức và Trung Quốc tiếp tục phủ bóng đen lên giá dầu.
Sang đến phiên giao dịch thứ ba, giá dầu được hỗ trợ bật tăng nhẹ khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 900.000 thùng và Fed cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trước khi kết thúc năm 2024. Trong phiên, tín hiệu từ Fed cho thấy sẽ làm chậm tốc độ giảm chi phí đi vay, do tỷ lệ thất nghiệp tương đối ổn định và lạm phát ít cải thiện, đã hạn chế đà tăng của giá dầu. Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ chỉ thực hiện 2 đợt cắt giảm lãi suất, với tổng điểm cơ bản là 50, vào cuối năm sau.
Song, giá lại quay đầu giảm gần 1% ở phiên giao dịch thứ tư bởi lo ngại nhu cầu dầu giảm trong năm 2025 do hoạt động kinh tế yếu kém sau khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu phát tín hiệu thận trọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo triển vọng năng lượng hàng năm được công bố hôm thứ Năm, công ty lọc dầu hàng đầu Trung Quốc Sinopec dự báo lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm 2025, trong khi tổng lượng tiêu thụ dầu của nước này đạt đỉnh vào năm 2027 do nhu cầu dầu diesel và xăng suy yếu.
Emril Jamil, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại LSEG, cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cần giữ kỷ luật về nguồn cung để thúc đẩy giá và xoa dịu sự lo lắng của thị trường trước những điều chỉnh liên tục về triển vọng nhu cầu.
OPEC+ đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2025 trong tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, JPMorgan dự báo thị trường dầu mỏ sẽ chuyển từ trạng thái cân bằng vào năm 2024 sang thặng dư 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025, vì ngân hàng này dự báo nguồn cung ngoài OPEC+ sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2025 kể cả khi sản lượng của Tổ chức OPEC vẫn duy trì ở mức hiện tại.
Trong một động thái có thể cắt giảm nguồn cung, các nước G7 đang cân nhắc các biện pháp siết giá trần đối với dầu của Nga, như lệnh cấm hoàn toàn hoặc hạ ngưỡng giá bán.
Với mức tăng trong khoảng 6-8 cent, giá dầu gần như đi ngang ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Sự dịch chuyển gần như không đổi này của giá dầu là bởi thị trường cân nhắc nhu cầu của Trung Quốc và kỳ vọng cắt giảm lãi suất sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt.
Trong khi đó, Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 11, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tại Mỹ tăng 0,4%; PCE cốt lõi tăng 0,1% - mức tăng nhỏ nhất trong 6 tháng, nhưng mức tăng hằng năm của lạm phát cốt lõi vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Chốt phiên, giá dầu Brent ở mức 72,94 USD/thùng, dầu WTI có giá 69,46 USD/thùng. Tính cả tuần, với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng nhẹ cả hai chuẩn dầu đều giảm khoảng 2,5%.
Giá dầu thô có khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực khi bước vào tuần giao dịch này. Các nhà giao dịch nên chuẩn bị cho sự biến động liên tục, với các báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô, hành động của OPEC+ và dữ liệu nhu cầu của Trung Quốc định hình tâm lý trong thời gian tới. Bên cạnh đó là áp lực đến từ đồng USD cao.