Giá dầu tuần qua đã bật tăng tới 6%, chạm mức cao nhất kể từ tuần thứ 2 của tháng 11.
Ngay tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng hơn 1%, được hỗ trợ bởi rủi ro địa chính trị sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ, lực lượng đối lập Syria giành quyền kiểm soát Damascus, Israel không kích chớp nhoáng vào Syria cùng thông tin Trung Quốc sẽ tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy tiêu dùng.
Kỳ vọng nhu cầu tăng ở Trung Quốc, nguồn cung có thể thắt chặt ở châu Âu vào mùa đông và tình hình biến động ở Trung Đông tiếp tục là những yếu tố chính giúp giá dầu kéo dài đà tăng sang phiên giao dịch thứ hai. Trong phiên này, cả dầu Brent và WTI cùng tăng nhẹ. Song, hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên là dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, tồn kho xăng, dầu, sản phẩm chưng cất của Mỹ đồng loạt tăng trong tuần trước.
Dữ liệu của Trung Quốc trong tuần trước cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu hàng năm tăng lần đầu tiên trong bảy tháng vào tháng 11/2024 do giá dầu giảm và tăng cường hoạt động tích trữ. Nhập khẩu dầu thô của quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới này dự kiến sẽ duy trì ở mức cao cho đến đầu năm 2025.
Giá dầu tiếp chuỗi tăng ở phiên giao dịch thứ ba với mức tăng hơn 1 USD sau khi các đại sứ của Liên minh châu Âu đồng ý áp thêm gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga. Điều này đe dọa dòng chảy dầu của Nga, khiến nguồn cung dầu thô trên thế giới có thể bị hạn chế. Một yếu tố cũng hỗ trợ giá dầu giữ đà tăng là dữ liệu tồn kho dầu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ giảm.
Tuy nhiên, dự báo nguồn cung dầu dồi dào đã cắt đứt chuỗi tăng của giá dầu. Trong phiên giao dịch thứ tư, giá dầu giảm nhẹ trở lại.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã tăng nhẹ triển vọng nhu cầu cho năm 2025 từ mức 990.000 thùng/ngày hồi tháng trước lên mức 1,1 triệu thùng/ngày, đồng thời kỳ vọng thị trường dầu mỏ sẽ có nguồn cung dồi dào từ các nước không thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+). Theo IEA, mức tăng cung trong năm sau là 1,5 triệu thùng/ngày chủ yếu đến từ Argentina, Brazil, Canada, Guyana và Mỹ.
Nhưng ngược với dự báo của IEA, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu cho năm 2024 trong tháng thứ 5 liên tiếp. OPEC dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 1,61 triệu thùng/ngày, giảm so với mức dự báo 1,82 triệu thùng/ngày hồi tháng trước. Tổ chức này cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng năm 2025 xuống còn 1,45 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,9 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đây.
Kỳ vọng các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga và Iran có thể thắt chặt nguồn cung và lãi suất thấp hơn ở châu Âu và Mỹ đã hỗ trợ giá dầu bật tăng khoảng 2% ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 5%, lên mức 74,49 USD/thùng - mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 22/11; dầu WTI tăng 6%, ở mức 71,29 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 07/11.
Với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ, giá dầu tuần trước đã xác lập tuần bật tăng, lấy lại được phần lớn mức đã để mất ở 2 tuần lao dốc trước đó.
Giá dầu thô đang được hỗ trợ trong ngắn hạn với nguồn cung toàn cầu thắt chặt, nhập khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị. Giá dự kiến sẽ thách thức các mức cao hơn.