Giá dầu tuần trước đánh dấu chuỗi giảm dài nhất trong nửa thập kỷ khiến giá dầu Brent và WTI đều bỏ xa mốc 80 USD/thùng.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu lao dốc tới 4 phiên và đảo chiều ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu nới rộng đà giảm của tuần trước, tiếp tục trượt dốc thêm hơn 1% do các nhà giao dịch chờ đợi kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+ cho quý I/2024. Cũng gây áp lực lên giá là lo ngại về nhu cầu giảm.
Đồng USD tăng giá và lo ngại về nhu cầu tiếp tục khiến giá dầu mất khoảng 1% xuống mức thấp gần 5 tháng. Giá dầu duy trì đà lao dốc do nghi ngờ về việc OPEC+ công bố cắt giảm nguồn cung tự nguyện. Giữa tuần trước, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024. Tuy nhiên, thị trường lo ngại rằng một số thành viên có thể không tuân thủ cam kết.
Tồn kho xăng của Mỹ tăng lớn hơn dự kiến làm gia tăng lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu. Điều này đã tác động mạnh đến giá dầu khiến mặt hàng này giảm sốc gần 4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6. Thêm vào đó, đồng bạc xanh đã chạm mức cao nhất trong 2 tuần trong phiên giao dịch thứ ba khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 5,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/12, cao hơn 5 lần mức tăng dự kiến của các nhà phân tích.
Kết thúc phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu tiếp tục giảm nhẹ khi các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu năng lượng chậm ở Mỹ và Trung Quốc trong khi sản lượng từ Mỹ vẫn gần mức cao kỷ lục.
Góp phần làm giảm giá dầu là số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu của nước này trong tháng 11 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do trữ lượng tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập.
Đến phiên giao dịch cuối cùng của tuần, đà giảm bị gián đoạn. Giá dầu đã đảo chiều, tăng hơn 2%, sau khi dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm mạnh hơn dự kiến, dấu hiệu cho thấy sức mạnh cơ bản của thị trường lao động. Trong tháng 11, việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ tăng 199.000, cao hơn so với dự đoán của Dow Jones là 190.000 việc làm mới và cao hơn mức tăng 150.000 trong tháng 10. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 3,7%, thấp hơn so với mức dự báo giảm 3,9%. Điều này hỗ trợ kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu.
Trong diễn biến khác, Ả Rập Xê Út và Nga kêu gọi tất cả thành viên của OPEC+ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nhóm OPEC+ sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung và tăng cường cắt giảm sản lượng dầu trong quý đầu tiên của năm 2024 để tránh tình trạng biến động và đầu cơ trên thị trường.
Giá dầu cũng được hỗ trợ sau thông báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ tận dụng giá dầu đang giảm để bổ sung khoảng 3 triệu thùng dầu thô cho Kho Dự trữ Dầu khí chiến lược (SPR).
Giá dầu Brent kỳ hạn kết thúc tuần giao dịch ở mức 75,84 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 71,23 USD/thùng.
Sự bứt tốc ở phiên cuối cùng không đủ để giá dầu cắt đứt chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp trước đó. Giá dầu tuần trước tiếp tục ghi nhận tuần lao dốc (3,8%) và xác lập kỷ lục chuỗi giảm hằng tuần dài nhất trong 5 năm qua.
Sau báo cáo việc làm lạc quan của Mỹ, giá dầu sẽ ấm dần lên. Nhiều nhà phân tích cho rằng, lo ngại về nhu cầu yếu đã không còn đáng lo ngại sau dữ liệu việc làm nói trên. Giá dầu hứa hẹn sẽ tiếp đà tăng trong những phiên đầu tuần này nếu không có biến động gì đặc biệt.
Cũng trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm dấu hiệu về cách các quan chức nhìn nhận về nền kinh tế qua cuộc họp này. Fed đang tìm cách đưa nền kinh tế ‘hạ cánh mềm’ và mong muốn lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2%. Nhiều dự đoán trên thị trường cho rằng Fed sẽ tạm dừng chu kỳ thắt chặt và bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024.