Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 49/2024

Giá dầu thế giới nối tiếp đà lao dốc của tuần trước đó. Giá dầu chịu tác động mạnh bởi quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), tình hình bất ổn ở Trung Đông và khả năng dư cung vào năm sau.

Giá dầu bắt đầu tuần bằng một phiên trái chiều với dầu Brent giảm 1 cent, dầu WTI tăng 10 cent. Sự dịch chuyển gần như đi ngang này của giá dầu là do 3 yếu tố chính chi phối: Hy vọng nhu cầu mạnh hơn ở Trung Quốc, lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào giữa tháng 12 và rủi ro địa chính trị gia tăng tại Trung Đông.

Giá dầu bật tăng hơn 2% ở phiên giao dịch thứ hai của tuần, được hỗ trợ khi thị trường tiếp nhận tin tức Israel đe dọa tấn công Lebanon nếu lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah sụp đổ cũng như khả năng cao OPEC+ sẽ công bố gia hạn cắt giảm nguồn cung tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào giữa tuần.

Tại phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu đã để mất gần như toàn bộ mức tăng của phiên giao dịch trước khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định của OPEC+. Tại phiên này,  giá dầu rớt gần 2%. Chính lượng tồn kho dầu của Mỹ giảm tới 5,1 triệu thùng (theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ), thỏa thuận ngừng bắn không chắc chắn giữa Israel và Hezbollah, lệnh thiết quân luật tại Hàn Quốc được dỡ bỏ và cuộc tấn công của phiến quân ở Syria đã hạn chế đà giảm của giá dầu.

Giá dầu kéo dài đà giảm sang phiên giao dịch tiếp theo, tuy nhiên mức giảm khá khiêm tốn, chỉ 24 cent, do các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng nguồn cung dồi dào trong năm 2025 bất chấp việc OPEC+ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng.

Tại cuộc họp hôm 05/12, OPEC+ đã quyết định hoãn kế hoạch tăng nguồn cung thêm một quý nữa. Theo đó, OPEC+ sẽ bắt đầu gỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 4/2025 và kéo dài đến tháng 9/2026.

OPEC+, chiếm khoảng 50% sản lượng dầu của thế giới, đã lên kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ việc cắt giảm từ tháng 10/2024, nhưng với nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu – yếu và sản lượng tăng ở những nơi khác đã buộc OPEC+ phải nhiều lần trì hoãn kế hoạch này.

Giá dầu tiếp tục lao dốc ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tại phiên này, giá dầu bốc hơi hơn 1% khi các nhà phân tích tiếp tục dự báo tình trạng dư cung vào năm 2025.

Vậy là với 3 phiên giảm, 1 phiên trái chiều, 1 phiên tăng, tuần trước giá dầu Brent giảm hơn 2,5% xuống mức 71,12 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 1,2% xuống mức 67,20 USD/thùng.

Ngân hàng Bank of America dự báo tình trạng dư cung dầu ngày càng tăng sẽ đẩy giá dầu Brent xuống mức trung bình 65 USD/thùng vào năm 2025. Trong khi đó, HSBC hiện dự báo dư cung dầu trên thị trường ở mức 200.000 thùng/ngày.

Giá dầu Brent chủ yếu dao động trong khoảng hẹp từ 70-75 USD/thùng trong tháng qua, khi các nhà đầu tư cân nhắc các tín hiệu nhu cầu yếu ở Trung Quốc và rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.

Một yếu tố khác gây áp lực lên giá dầu là số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng lần đầu tiên sau tám tuần, theo báo cáo của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đã tăng 5 giàn lên 482 giàn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2024, trong khi số giàn khoan khí đốt tăng 2 giàn lên 102 giàn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2024.

Những thống kê trái chiều về thị trường việc làm của Mỹ (cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong tuyển dụng nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng nhẹ) đã kéo dài đà giảm của giá dầu.

Tâm lý thị trường tương đối thận trọng. Nhu cầu yếu và triển vọng dư cung tiếp tục là rào cản đối với đà tăng của giá dầu.