OPEC ngày 7/12 thông báo tổng sản lượng dầu toàn cầu sẽ giảm 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu tiên năm 2019 nhằm giải quyết tình trạng dư cung hiện tại, hỗ trợ giá dầu.
OPEC sẽ chịu trách nhiệm giảm 0,8 triệu thùng/ngày từ sản lượng tháng 10. Các quốc gia đồng minh của OPEC giảm 0,4 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận này sẽ được đánh giá lại trong cuộc họp vào tháng 4.
Chốt phiên, dầu thô WTI giao tháng 1 đã tăng 1,64 đô la, tương đương 2,2%, ở mức 52,61 đô la/thùng. Trong tuần, giá đã tăng 3,3%, mức tăng lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 23 tháng 9. Brent giao tháng 2 cũng tăng 1,48 đô la, tương đương 2,5%, ở mức 61,54 đô la/thùng, sau khi vọt lên mức 63,70 đô la trước đó.
Điều không rõ ràng trước mắt là Riyadh sẽ đối phó như thế nào với hệ quả không mong muốn về chính trị, nếu có, với Tổng thống Donald Trump, người đã liên tục kêu gọi Saudi trong nhiều tuần nay với các dòng tweet yêu cầu dầu của OPEC tiếp tục duy trì lưu lượng mà không bị gián đoạn và để ở giá thấp để giúp đỡ nền kinh tế Mỹ.
Baker Hughes ngày 7/12 cho biết số giàn khoan hoạt động của Mỹ, dấu hiệu báo trước sản lượng, đã giảm 10 xuống còn 877.
Thị trường dầu trong tuần tiếp tục chú ý đến nguồn cung, sau khi các thành viên OPEC cùng đồng minh nhất trí cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1. Thị trường trong tuần này còn chờ báo cáo hàng tháng từ OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) để đánh giá mức độ cung – cầu hiện tại.
Dưới đây là những sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 11/12
Viện Dầu mỏ Mỹ công bố cập nhật hàng tuần về nguồn cung dầu Mỹ.
Ngày 12/12
OPEC công bố báo cáo hàng tháng về thị trường dầu.
EIA công bố cập nhật hàng tuần về dự trữ dầu Mỹ.
Ngày 13/12
IEA công bố báo cáo hàng tháng về cung – cầu dầu toàn cầu.
Ngày 14/12
Công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ.