Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 48/2024

Giá dầu tuần trước đảo chiều giảm, với dầu Brent giảm 3,1%, dầu WTI giảm 4,8%. Sự trượt dốc của giá dầu trong tuần chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hezbollah.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, các báo cáo cho thấy Israel và Lebanon đã đồng ý với các điều khoản của một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột Israel - Hezbollah đã khiến giá dầu mất hơn 2 USD.

Cụ thể, Israel đồng ý thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/11. Điều này đã làm giảm rủi ro của nguồn cung dầu và tiếp tục đẩy giá dầu trượt nhẹ khoảng 20 cent ở phiên giao dịch thứ hai của tuần.

Giá dầu gần như đi ngang ở phiên giao dịch thứ ba với dầu Brent tăng 2 cent, dầu WTI giảm 5 cent. Biến động trái chiều này của giá dầu là bởi báo cáo tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng-giảm trái chiều, lo ngại về việc Mỹ giảm tiến độ cắt giảm lãi suất vào năm tới và giảm bớt lo ngại về nguồn cung.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 22/11, tồn kho xăng của Mỹ tăng 3,3 triệu thùng, trong khi tồn kho dầu giảm 1,8 triệu thùng.

Liên quan đến lãi suất tại Mỹ, công cụ FedWatch của CME Group cho biết các nhà giao dịch tin rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ hạ 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào trung tuần tháng 12 nhưng sẽ giữ nguyên lãi suất tại các cuộc họp vào tháng 1 và tháng 3/2024.

Sau đó, giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch thứ tư sau khi Israel và Hezbollah cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) quyết định lùi cuộc họp dự kiến vào ngày 01/12 sang ngày 05/12.

OPEC+ chiếm khoảng một nửa sản lượng dầu thế giới và đã lên kế hoạch thu hẹp dần chương trình cắt giảm sản lượng với những đợt tăng nhỏ trong nhiều tháng vào năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, sự suy giảm về nhu cầu dầu của Trung Quốc và toàn cầu, tốc độ chuyển đổi sang nhiên liệu sạch hơn của thế giới cùng với sản lượng gia tăng ngoài nhóm, đã khiến kế hoạch này gặp khó khăn.

Theo giới phân tích, khả năng OPEC+ trì hoãn tăng sản lượng và lo ngại về kế hoạch áp thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump không đủ mạnh để giúp giá dầu WTI duy trì trên mức 70 USD/thùng.

Hoạt động giao dịch trong phiên ngày thứ Năm bị hạn chế do thị trường bước vào đợt nghỉ lễ Tạ ơn.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, toàn bộ mức tăng ở phiên giao dịch trước đã bị san bằng khi lo ngại về rủi ro nguồn cung từ cuộc xung đột Israel - Hezbollah giảm dần cùng với triển vọng nguồn cung trong năm sau sẽ tăng bất chấp OPEC+ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Trong phiên này, giá dầu Brent giảm 34 cent, dầu WTI giảm 72 cent.

Với 3 phiên giảm, 1 phiên tăng nhẹ và 1 phiên gần như đi ngang, giá dầu tuần trước đã xác lập tuần giảm. Chốt phiên, dầu Brent lùi về mức 72,94 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm xuống mức 68 USD/thùng.

Giá dầu đang chịu nhiều sức ép. OPEC+ dự kiến ​​sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng, nhưng các nhà giao dịch lo ngại nhu cầu có thể yếu hơn dự kiến ​​trước đó. Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị và khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể tạo ra mức sàn cho giá, giúp hạn chế đà giảm.