Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 48/2022

Giá dầu tuần trước tiếp tục biến động mạnh trong các phiên giao dịch. Có những phiên giá dầu leo dốc hồi đầu phiên nhưng sau đó lại giảm dần về cuối phiên. Cả 5 phiên giao dịch, giá dầu đều ghi nhận mức giảm.

Những nhân tố khiến giá dầu có thời điểm leo dốc trong tuần có thể kể đến là việc nới lỏng các hạn chế về dịch Covid-19 của nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Trung Quốc, sự cố tràn dầu tại Kansas, Mỹ làm tạm ngừng hoạt động vận chuyển đường ống Keystone từ Canada và hàng loạt tàu chở dầu không thể đi qua Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, và lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) cũng như việc áp trần giá của G7 lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực.

Tuy nhiên, dường như không có gì có thể đưa giá dầu trở lại quỹ đạo tăng trong tháng này.

Mức trần giá 60 USD/thùng giúp các nhà giao dịch yên tâm rằng dòng chảy dầu vẫn tiếp tục không suy giảm, đồng nghĩa với việc khó có thể có sự thiếu hụt về dầu. Như tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, mức trần giá tương ứng với mức giá mà dầu Nga đang được bán nên biện pháp áp trần giá này sẽ có tác động hạn chế đối với ngân sách của Nga. Tổng thống Nga cũng cảnh báo Nga có thể cắt giảm sản lượng nếu cần thiết. Dầu Urals của Nga hiện đang được giao dịch ở mức khoảng 53 USD/thùng.

Trong tuần, các nhà giao dịch tập trung nhiều vào nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu thay vì nguồn cung khi các ngân hàng vẫn đua nhau tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI kỳ hạn đã mất 11,2% còn giá dầu Brent cũng mất 11,1%. Đó là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2022 đối với dầu WTI và kể từ đầu tháng 8 đối với dầu Brent.

Theo Phil Flynn, nhà phân tích năng lượng tại The Price Futures Group, thị trường đang cố gắng xác định xem liệu tình trạng suy yếu của thị trường dầu chỉ mang tính tạm thời do các yếu tố mùa vụ hay đang báo hiệu nền kinh tế toàn cầu sắp suy thoái.

Ông nói: “Trong những ngày gần đây, thị trường đã thận trọng khi cho rằng nhu cầu dầu tiếp tục sụt giảm vì các thông tin về việc Fed cảnh báo thị trường đang đánh giá thấp quy mô của các đợt tăng lãi suất trong tương lai”.

Cuộc khảo sát mới nhất của S&P Global Commodity Insights cho thấy liên minh OPEC+ đã giảm sản lượng dầu thô 700.000 thùng/ngày trong tháng 11, mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 4 khi sản lượng dầu của Nga sụt giảm do tác động của lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Các nhà kinh tế cho biết tại Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh và có thể sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong vài tháng tới mặc dù một số hạn chế đã được nới lỏng.

Các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo kinh tế Mỹ sẽ trải qua một cơn suy thoái ngắn và nông trong năm tới. Họ nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 14/12. Mức tăng lãi suất này cũng có thể được Ngân hàng Trung ương châu Âu áp dụng ngay cả khi nền kinh tế khu vực đồng euro được cho là đã suy thoái.