Giá dầu thế giới có tuần tăng hơn 5%, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 7/11, được hỗ trợ bởia rủi ro địa chính trị.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng hơn 2 USD khi thị trường tiếp nhận thông tin sản xuất dầu thô tại mỏ dầu Johan Sverdrup của Na Uy bị tạm dừng do mất điện và lo ngại xung đột Nga-Ukraine leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết: "Sự leo thang giữa Nga và Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị vượt xa mức độ từng thấy trong cuộc xung đột kéo dài một năm giữa Israel và các phiến quân được Iran hậu thuẫn". Điều mà thị trường lo sợ là sự phá hủy bất kỳ cơ sở dầu khí và lọc dầu nào, vì điều này không chỉ gây ra thiệt hại lâu dài mà còn đẩy nhanh vòng xoáy xung đột.
Giá dầu tiếp tục leo dốc ở phiên giao dịch thứ hai. Các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga - Ukraine và sự cân bằng giữa yếu tố hỗ trợ giá (sản lượng tại mỏ dầu lớn nhất Kazakhstan giảm xấp xỉ 30% do sửa chữa, khả năng Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu dầu trong tháng 11) và yếu tố hạn chế giá (đồng USD tăng mạnh, một phần sản lượng tại mỏ Johan Sverdrup đã được khôi phục).
Tồn kho xăng dầu của Mỹ tăng khiến giá dầu mất đà, quay đầu giảm khoảng 50 cent ở phiên giao dịch thứ ba. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 15/11, tồn kho xăng của Mỹ tăng 2,1 triệu thùng, tồn kho dầu tăng 500.000 thùng.
Xung đột Nga -Ukraine gia tăng nhanh chóng khiến thị trường lo lắng thiếu hụt nguồn cung. Điều này đã giúp giá dầu lấy lại đà tăng. Trong phiên giao dịch thứ tư, giá dầu tăng gần 2% sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm vào một cơ sở quân sự của Ukraine, đồng thời cảnh báo phương Tây về khả năng Moscow tấn công các cơ sở quân sự của bất kỳ quốc gia nào có vũ khí chống lại Nga. Động thái mới này của Nga nhằm đáp trả 2 lần Ukraine bắn tên lửa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng tốc thêm khoảng 1%.
Với 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, giá dầu tuần trước đã đánh dấu tuần tăng mạnh với dầu Brent tăng xấp xỉ 6% lên mức 75,17 USD/thùng, dầu WTI tăng hơn 6% chốt ở mức 71,24 USD/thùng.
Trong một động thái mới, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với ngân hàng Gazprom của Nga. Điện Kremlin cho biết lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ là nỗ lực của Washington nhằm cản trở việc xuất khẩu khí đốt của Nga.
Liên quan đến nguồn cầu, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã công bố các biện pháp chính sách trong tuần trước nhằm thúc đẩy thương mại, bao gồm hỗ trợ nhập khẩu sản phẩm năng lượng, trong bối cảnh lo ngại Mỹ sẽ áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo dữ liệu theo dõi tàu biển, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 dự kiến sẽ phục hồi.
Dầu thô có triển vọng tăng giá vào tuần này, do rủi ro địa chính trị và nhu cầu tiềm năng tăng trưởng từ Trung Quốc. Căng thẳng leo thang ở Đông Âu hoặc gián đoạn nguồn cung mới có thể khuếch đại thêm tiềm năng tăng giá. Tuy nhiên, các yếu tố giảm giá như lượng tồn kho tăng của Mỹ và nhu cầu toàn cầu yếu vẫn còn. Do đó, các nhà giao dịch nên thận trọng với các tiêu đề địa chính trị và theo dõi bất kỳ bất ngờ nào trong dữ liệu tồn kho của Mỹ hoặc thông báo của OPEC+.