Sau 3 tuần giảm, dầu thô đã có tuần tăng giá mạnh nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi và đồng USD mất giá.
Cụ thể, giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 28/11 với xu hướng giảm nhẹ, trượt về mức thấp nhất 10 tháng trong bối cảnh thị trường dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc.
Theo các dữ liệu thống kê, Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục vào ngày 25/11. Diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp phòng chống dịch khác, làm tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại quốc gia này và được dự báo sẽ tạo tác động trầm trọng hơn nếu như các biện pháp này kéo dài.
Trong khi đó, G7 được cho là sẽ xem xét áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển trong khoảng 65-70 USD/thùng. Trong khi theo dữ liệu từ của Refinitiv, dầu thô Urals của Nga được giao đến Tây Bắc châu Âu đang có giá vào khoảng 62-63 USD/thùng, còn ở Địa Trung Hải vào khoảng 67-68 USD/thùng. Thông tin này đã gần như dẹp bỏ mọi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Nga.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục duy trì trong phiên tiếp theo, bất chấp giá dầu thô tăng mạnh vào cuối phiên 28/11 nhờ thông tin OPEC+ cắt giảm sản lượng, khi thị trường ghi nhận dấu hiệu nguồn cung được cải thiện. Phải đến phiên giao dịch thứ 3 của tuần, cả dầu WTI và Brent mới cùng chung xu hướng, cùng tăng hơn 2 USD bởi các dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt hơn, đồng USD suy yếu và sự lạc quan về nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ tư của tuần, giá dầu Brent và WTI lại trở về trái chiều dù cả hai ghi nhận mức giảm so với đợt tăng đầu phiên.
Kết thúc phiên giao dịch đầy biến động của tuần, giá dầu giảm 1,5% ngay trước thềm cuộc họp của OPEC+ vào hôm 02/12 và lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với dầu thô vận chuyển qua đường biển của Nga có hiệu lực từ 05/12.
Chốt tuần giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 trên sàn New York ở mức 80,34 USD/thùng, giảm 0,88 USD/thùng trong phiên; Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 86,01 USD/thùng, giảm 0,87 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI lần lượt tăng khoảng 2,5% và 5%.
Ngày 02/12, các thành viên của EU và G7 đã nhất trí về mức giá trần 60 USD/thùng áp lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mức trần giá dầu của Nga sẽ được điều chỉnh theo thời gian để liên minh có thể phản ứng với diễn biến của thị trường.
Trong một diễn biến khác, sau thời gian dài bị cấm vận, dầu thô Venezuela được kỳ vọng sớm trở lại thị trường khi Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Venezuela sau khi Venezuela và phe đối lập đạt được thỏa thuận bảo trợ xã hội.
Theo đó, trong một thông cáo báo chí, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cho phép Chevron khôi phục một phần hoạt động với công ty dầu khí nhà nước Venezuela là PDVSA. Cả hai doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động chung dưới hình thức liên doanh. Tuy nhiên, Chevron phải đảm bảo rằng “PDVSA sẽ không có phần trích doanh thu từ hoạt động bán dầu do Chevron thực hiện”.
Giá dầu sẽ tiếp tục biến động sau quyết định của OPEC+ cùng với những tín hiệu lạc quan về nhu cầu dầu của Trung Quốc.