Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 45/2021

 

Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu chững lại khiến giá dầu có tuần giảm thứ tư liên tiếp.

Dầu thô đã bước vào một tuần giao dịch đầy những yếu tố thử thách, các thông tin tiêu cực về lạm phát và diễn biến của dịch Covid-19 tại châu Âu, Trung Quốc đã buộc các nước phải tái áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn trong phòng chống dịch, trong đó có các biện pháp hạn chế đi lại làm dấy lên lo ngại về lực cầu, trong bối cảnh có nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể cân nhắc việc xả kho dầu dự trữ chiến lược nhằm giảm áp lực lạm phát.

Nguồn cung dầu thô cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng của OPEC+ thì theo Rystad Energy, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể đạt mức 8,68 triệu thùng/ngày vào tháng 12 tới, bằng với mức sản lượng trước đại dịch.

Các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ tiếp tục tăng tuần thứ 3 liên tiếp khi các công ty năng lượng đẩy mạnh các hoạt động khai thác trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao.

Với những nhân tố trên, nhiều nhà đầu tư dự báo cung sẽ sớm vượt và trong dài hạn, giá dầu sẽ sớm được bình ổn trở lại. Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei nhấn mạnh rằng tất cả các chỉ báo hiện nay đều cho thấy nguồn cung sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ dầu thô vào quý I/2022.

Sau lời kêu gọi của Mỹ đối với những quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Nhật Bảm, Hàn Quốc xem xét việc giải phóng kho dự trữ dầu thô, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã quyết định xả kho dự trữ dầu của mình.

Nhật Bản cũng được cho là đang xem xét giải phóng dầu khỏi nguồn dự trữ để đối phó với giá dầu thô tăng.

Ngoài ra, đồng USD mạnh lên, đạt mức cao nhất hơn 1 năm, cũng là tác nhân khiến giá dầu thô giảm mạnh những phiên gần đây.

Kết thúc phiên 19/11, giá dầu Brent tương lai giảm 2,35 USD, tương đương 2,9%, xuống 78,89 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 12 vào ngày đáo hạn giảm 2,91 USD, tương đương 3,6%, xuống 76,1 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 1 giảm 2,47 USD, tương đương 3,3%, xuống 75,94 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 4%, và đã để mất 8% trong 4 tuần qua, sau đợt tăng 18% trong 7 tuần liên tiếp. Giá dầu WTI cũng rớt 5,8% trong tuần qua, và giảm 9,3% trong 4 tuần, sau đợt tăng 18% trong 9 tuần liên tiếp.

Với diễn biến đại dịch ngày càng tồi tệ hơn tại Châu Âu, khi Đức cảnh báo hôm thứ Sáu rằng nước này có thể cần phải chuyển sang phong tỏa hoàn toàn sau khi Áo cho biết họ sẽ tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ứng phó với tình trạng lây nhiễm đang gia tăng, giá dầu có thể tiếp tục giảm trước khi phục hồi, theo Jeffrey Halley, giám đốc nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại OANDA.

OPEC+ sẽ họp sản lượng vào ngày 2/12 và thị trường kỳ vọng liên minh sẽ thông báo loạt biện pháp để ngăn giá dầu giảm hơn nữa.

Tuy nhiên, thời tiết lạnh trong mùa đông Mỹ có thể giúp thị trường dầu hưởng lợi, bù đắp cho phần lực cầu có thể mất đi vì Covid-19 nghiêm trọng hơn.

Tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/11, theo số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trái với dự báo tăng 1,4 triệu thùng. Tuy nhiên, mức tăng 213.000 thùng tại Cushing, Oklahoma, cửa ngõ giao dầu WTI tại Mỹ, cho thấy đà giảm tồn kho sắp kết thúc.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 7 giàn khoan dầu và khí, tuần tăng thứ tư liên tiếp, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 563, cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.