Chốt phiên 13/11, giá dầu Brent tương lai giảm 75 cent, tương đương 1,7%, xuống 42,78 USD/thùng, giá dầu WTI tương lai giảm 99 cent, tương đương 2,4%, xuống 40,13 USD/thùng. Chốt tuần, giá hai loại dầu đều tăng hơn 8%.
Thị trường năng lượng tăng đáng kể hồi đầu tuần sau khi Pfizer và BioNTech thông báo vaccine Covid-19 thử nghiệm do hai hãng dược phẩm phát triển có tỷ lệ hiệu quả 90%.
“Giá dầu sau đó giảm khi thị trường đánh giá ảnh hưởng lực cầu từ việc số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục đi lên ở Mỹ và châu Âu cùng các biện pháp hạn chế xã hội bổ sung”, Alexander Turro, chiến lược gia thị trường tại RJO Futures, Chicago, bang Illinois, cho biết.
Sau khi vượt ngưỡng cản lên trên 43 USD/thùng hôm 11/11, Turro lưu ý giá dầu WTI đã điều chỉnh về 42,89 – 38,31 USD/thùng “khi lực cầu thế giới yếu ớt tiếp tục là tiêu điểm”.
Tâm lý thị trường thêm tiêu cực khi Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ngày 12/11 nhận định lực cầu dầu khó tăng đáng kể cho đến năm 2021, nếu vaccine thành công.
Số giàn khoan dầu tại Mỹ tăng thêm 10 lên 236 trong tuần trước, cao nhất kể từ tháng 5, theo số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, phản ánh sản lượng tại Mỹ sắp tăng. Trong khi đó, số liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho trong tuần kết thúc ngày 6/11 tăng 4,3 triệu thùng, trái ngược dự báo giảm 913.000 thùng.
OPEC ngày 11/11 hạ dự báo lực cầu, cho biết sức tiêu thụ sẽ phục hồi chậm hơn nữa trong năm 2021 hơn dự báo trước đó vì Covid-19. Bộ trưởng Năng lượng Algeria nói OPEC và đồng minh, tức OPEC+, có thể gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày sang năm 2021 hoặc thắt chặt nguồn cung hơn nữa.
OPEC+ đang giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày và dự tính nới lỏng 2 triệu thùng/ngày vào đầu năm sau.
Dưới đây là các sự kiện có thể ảnh hưởng giá dầu trong tuần.
Ngày 17/11
Viện dầu mỏ Mỹ ước tính số liệu tồn kho hàng tuần.
Ngày 18/11
EIA cập nhật số liệu tồn kho dầu thô, xăng, sản phẩm tinh chế hàng tuần.
Ngày 20/11
Baker Hughes cập nhật số lượng giàn khoan dầu Mỹ hoạt động.