Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 44/2021

 

Giá dầu thô trong tuần giao dịch từ ngày 8/11 diễn biến theo 2 chiều hướng trái ngược. Nếu như trong những phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu được thúc đẩy bởi quyết định duy trì mức sản lượng của OPEC+ thì ở hai phiên cuối tuần, áp lực lạm phát, rủi ro tăng trưởng và dịch Covid-19 đã kéo giá dầu đi xuống.

Cụ thể, giá dầu ngày 08/11 duy trì đà tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô gia tăng khi các nước châu Âu, Mỹ bước vào mùa đông và mùa mua sắm sẽ thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá.

Sự hoài nghi về khả năng tăng sản lượng của OPEC+ theo kế hoạch cũng được đặt ra khi một số nước thành viên của khối vẫn chưa đạt được mức sản lượng theo hạn ngạch được phân bổ.

Nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế và cần thời gian để khôi phục, trong khi các nguồn cung mới cần thời gian để đầu tư, thăm dò và khai thác… đã tạo nên sự mất cân đối cung – cầu trên thị trường dầu thô, trong đó cầu đang vượt cung và điều này đã đẩy giá dầu thô tăng cao trong thời gian qua.

Giá dầu còn được thúc đẩy bởi các kho dự trữ dầu thô giảm mạnh, đặt ra yêu cầu phải bổ sung trong những tháng còn lại của năm 2021 và 2022.

Quyết định nâng giá bán chính thức của Saudi Aramco cũng như dự đoán khả năng khai thác của các nước thành viên OPEC+ đã chạm mức tới hạn, việc gia tăng sản lượng nếu có sẽ phụ thuộc vào Saudi Arabia và UAE tiếp tục tạo động lực thúc đẩy giá dầu đi lên.

Ngoài ra, thông tin về tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là nhập khẩu các mặt hàng năng lượng được công bố, giá dầu thô đã bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/11.

Dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố gần đây cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 10/2021 đã tăng mạnh, tới 27,1% so với cùng kỳ 2020, đạt 300,2 tỷ USD. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 10/2021 cũng tăng tới 20,6%.

Tuy nhiên, trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, khi một loạt các dữ liệu về lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Mỹ được công bố, cộng với diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Anh, Đức…, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh.

Tại Mỹ, quốc gia có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới, chỉ đạt mức tăng trưởng GDP quý III/2021 ở mức đạt 2%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 6,7% và 6,3% của 2 quý trước đó.

Thậm chí, trong các cảnh báo được đưa ra, nếu đà lạm phát tiếp tục leo thang và ở mức cao, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng suy thoái, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc triển khai các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Chi phí hàng hoá leo thang, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy kéo theo giá cả nhiều loại hàng hoá tăng cao, bóp nghẹt túi tiền của người tiêu dùng và đẩy lạm phát tăng cao. Viễn cảnh này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo và nếu nó không được cải thiện thì sức cầu tiêu dùng chắc chắn giảm, khi đó sẽ tác động ngược lại với hoạt động sản xuất.

CPI tháng 10 của Mỹ đã tăng 0,9% so với tháng 9 và tăng tới 6,2% so với cùng kỳ 2020, vượt xa con số dự báo 5,9%. Đây là mức tăng lớn nhất được ghi nhận tại Mỹ trong hơn 30 năm.

Trong khi đó, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô cho năm 2021, chỉ tăng 5,7 triệu thùng/ngày, thấp hơn 160.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, khi nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc, Ấn Độ trong quý III/2021 sụt giảm. Cũng theo dự báo của tổ chức này, lực cầu thế giới sẽ vượt 100 triệu thùng/ngày trong quý III/2022, muộn hơn 3 tháng so với ước tính đưa ra hồi tháng 10. Lực cầu bất ổn chính là lý do chính khiến OPEC+ không tăng nguồn cung như lời kêu gọi từ Mỹ.

Trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt thị trường năng lượng, qua đó giảm áp lực đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia dự báo Mỹ sẽ sớm phải xả các kho dự trữ chiến lược nhằm hạ nhiệt giá năng lượng khi đây được xem là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát của nước này lên mức cao nhất 31 năm.

Kết thúc phiên 12/11, giá dầu Brent tương lai giảm 70 cent, tương đương 0,8%, xuống 82,17 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 80 cent, tương đương 1%, xuống 80,79 USD/thùng.

Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 0,7%, WTI giảm 0,6%. Lạm phát tăng cao đang tạo áp lực, rào cản đối với triển vọng phục hồi kinh tế, qua đó làm hạ nhiệt nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu và là nguyên nhân chính khiến giá dầu thô có tuần giao dịch giảm mạnh thứ 3 liên tiếp.

Sunil Kumar Dixit, giám đốc chiến lược kỹ thuật tại skcharting.com, cho biết cần theo dõi mốc trung bình động (EMA) 5 tuần 80,87 USD/thùng đối với giá dầu WTI. Vượt 80,87 USD/thùng, giá dầu WTI có thể phục hồi về 81,82 USD/thùng. Nếu mất mốc này, giá dầu WTI khả năng về thử thách mốc EMA 10 tuần 78,71 USD/thùng và đáy tuần trước 78,24 USD/thùng.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước triển khai thêm 6 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan đang hoạt động lên 556, cao nhất kể từ tháng 4/2020, công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes cho biết.