Giá dầu thế giới có tuần tăng mạnh do lo ngại thiếu cung và đồn đoán về việc Trung Quốc nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm khoảng 1 USD do kỳ vọng sản lượng của Mỹ có thể tăng cùng nhu cầu giảm ở Trung Quốc bởi sự gia tăng các biện pháp hạn chế Covid-19.
Theo dữ liệu hàng tháng của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu của nước này đã tăng 0,9% lên 11,98 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19. Bob Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai của Mizuho ở New York, nhận xét sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng cao hơn nhưng sẽ không vượt 13,1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong ba quý đầu năm giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, mức giảm của phiên đầu tiên đã nhanh chóng được bù đắp ở phiên giao dịch thứ hai. Sự lạc quan về việc Trung Quốc có thể mở cửa trở lại sau các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt và dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm đã đẩy giá dầu tăng gần 2 USD.
Giá dầu tiếp đà tăng thêm gần 2 USD ở phiên giao dịch thứ ba, bất chấp sự sụt giảm của chứng khoán và sự mạnh lên của đồng bạc xanh sau khi Fed quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm cơ bản lần thứ tư trong năm.
Thế nhưng đà tăng của dầu đã bị gián đoạn khi Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách zero-Covid và đồng bạc xanh mạnh lên làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế do lo ngại về nguồn cung khan hiếm, vì vậy giá dầu chỉ giảm khoảng 2%.
Giá dầu đã nhanh chóng phục hồi ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Sự leo dốc đột ngột tới hơn 5% của giá dầu diễn ra trong bối cảnh thị trường không chắc chắn về việc tăng lãi suất trong tương lai của Fed, trong khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga cận kề và khả năng Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế Covid. Dầu Brent tăng lên mức 98,57 USD/thùng, dầu WTI của Mỹ chạm 92,61 USD/thùng.
Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, đặc biệt là sự tăng sốc ở phiên thứ 5 đã tạo cơ hội cho hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn có thêm một tuần tăng giá. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 2,9% và dầu WTI tăng 4,7%.
Nguồn cung dự kiến sẽ vẫn eo hẹp do các lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu và sự sụt giảm trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ. Lệnh cấm của EU đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12.
Tuần này, các nhà đầu tư đợi báo cáo đánh giá triển vọng thị trường năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2022 của Mỹ để đánh giá về tốc độ tăng lạm phát cũng như xu hướng lãi suất sắp tới.