Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng hợp thị trường dầu thô thế giới tuần 43/2021

 

Giá dầu có một tuần giao dịch đầy biến động trong bối cảnh diễn ra cuộc họp OPEC+ vào ngày thứ Năm.

Cụ thể, giá dầu chịu sức ép vào đầu ngày hôm thứ Hai trong phiên châu Á, sau khi Trung Quốc mở kho dự trữ xăng và dầu diesel để tăng nguồn cung nhằm hạ nhiệt giá. Các nhà đầu tư cũng bớt nắm giữ vị thế mua trước thềm cuộc họp của tổ chức OPEC +.

Tuy nhiên, về cuối phiên, giá dầu đảo chiều đi lên với các tín hiệu của OPEC+ cho thấy tổ chức này sẽ duy trì mức bổ sung 400.000 thùng mỗi ngày như đã đồng ý, bất chấp những lời kêu gọi tăng thêm nguồn cung. Với tâm lý này, giúp giá dầu duy trì hầu như không đổi trong phiên thứ Ba trong lúc chờ báo cáo dữ liệu tồn kho.

Song, giá lại chịu sức ép giảm trong hai phiên tiếp theo, sau khi API và EIA đều báo cáo dự trữ dầu thô tăng lần thứ năm. Mức tăng này đã đẩy tồn kho dầu thô thêm khoảng 20 triệu thùng trong sáu tuần qua và cho thấy rằng giá ở mức cao nhất trong bảy năm đang làm chậm lại hoạt động thu mua của các nhà máy lọc dầu.

Ngoài ra, thông tin cũng góp phần đẩy giá đi xuống đó là, Iran và các cường quốc trên thế giới đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối tháng 11, điều này có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu Iran và tăng nguồn cung toàn cầu.

Sau quyết định đúng như kỳ vọng tại cuộc họp OPEC+, Nhà Trắng phản ứng cho rằng OPEC+ có vẻ như không sẵn sàng sử dụng công suất và quyền lực mà họ có tại thời điểm quan trọng để giúp cho sự hồi phục toàn cầu.

Nhận xét từ Nhà Trắng làm dấy lên lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể thực hiện các biện pháp bao gồm giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược để tăng sản lượng và giới hạn giá.

Phát biểu sau cuộc họp của OPEC+ ngày 4/11, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ không muốn tăng sản lượng nhanh hơn vì lo ngại sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ lại gặp trở ngại nếu Covid-19 tái bùng phát ở nhiều quốc gia.

Theo ông, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2021, đầu 2022 do nhu cầu tiêu thụ tăng chậm lại.

Quyết định giữ nguyên kế hoạch của OPEC và việc chính quyền Biden thiếu phản ứng kiên quyết khiến giá dầu tăng trở lại trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 5/11, giá dầu Brent tương lai tăng 2,2 USD lên 82,74 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2,46 USD lên 81,27 USD/thùng.

Chốt tuần, Brent giảm khoảng 2%, tuần giảm thứ hai liên tiếp, WTI giảm 2,7%.

Fed thông báo sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng hiện tại, như thị trường dự báo, trong tháng 11. Theo các nhà giao dịch, việc này có thể làm giảm mua đầu cơ đối với tài sản rủi ro như dầu.

Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần kết thúc ngày 5/11 triển khai thêm 6 giàn khoan, nâng tổng số giàn khoan hoạt động lên 550, cao nhất kể từ tháng 4/2020, công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes cho biết.